Ngày 22/9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo về xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Thuỵ Mỵ Châu cho biết, nhờ có sự đầu tư và quan tâm của nhiều doanh nghiệp nên hệ thống ngoài công lập, hệ thống các nhóm trẻ được hình thành, từ đó giúp chính quyền địa phương giải quyết bài toán về chỗ gửi trẻ ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Sở đã tiến hành khảo sát, kiểm tra điều kiện của 100 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập trên địa bàn. Thực tế cho thấy, các chủ quản lý này ngày càng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu; tạo điều kiện cho đội ngũ bảo mẫu, giáo viên tham gia học nâng chuẩn. Bên cạnh đó, đa số giáo viên chịu khó tham gia học tập các đơn vị bạn về thiết kế xây dựng lại môi trường theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tạo cơ hội cho trẻ vui chơi học tập, từ đó hình thành ở trẻ tình cảm và các kỹ năng xã hội cần thiết.
Tuy nhiên, khảo sát cho thấy còn một số tồn tại: vẫn còn vài nhóm lớp chưa chú ý trong việc thiết kế, tạo môi trường cho trẻ hoạt động nhằm hình thành phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội; một số giáo viên lúng túng trong việc lồng ghép nội dung phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội vào giờ học.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chấn chỉnh, nhắc nhở và yêu cầu các cơ sở còn hạn chế mau sớm khắc phục và gửi hình ảnh minh họa về Phòng Giáo dục mầm non.
Đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh thông tin, đến nay, công tác quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục ngày càng được nâng cao và chặt chẽ trong việc chăm sóc giáo dục trẻ. Trong năm, không xảy ra tình trạng bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu cũng nhấn mạnh, đảm bảo an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện cần đưa nội dung tiêu chí phòng học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích vào tiêu chuẩn, điều kiện trong việc thành lập nhóm lớp độc lập tư thục; chỉ ra quyết định thành lập những nhóm lớp độc lập tư thục khi đủ điều kiện với 3 yếu tố chính, đó là cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên, đảm bảo tính an toàn cho trẻ.
Bên cạnh đó, bà Lê Thuỵ Mỵ Châu đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với chính quyền phường, xã, thị trấn trong việc thẩm định điều kiện cấp phép thành lập các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập; thường xuyên rà soát, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập các nội dung về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đạt hiệu quả và chất lượng.
Song song đó, Phòng tăng cường bồi dưỡng lý thuyết, thực hành các nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; trong đó đẩy mạnh kiểm tra, hướng dẫn và giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ; tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đội ngũ chủ nhóm, giáo viên tìm hiểu các nội dung, các hoạt động liên quan đến giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ ở các độ tuổi...
TP Hồ Chí Minh có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động tập trung tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện gồm: Quận 7, 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Trong đó, tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập là 1.286 nhóm.