Giáo dục Khai phóng (Liberal Arts Education) là mô hình giáo dục đặc sắc của giáo dục đại học Mỹ; có nguồn gốc từ Đức và đang được áp dụng rộng rãi ở châu Âu và nhiều nước châu Á.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT trao đổi tại buổi hội thảo. |
Đặc trưng của mô hình này là đào tạo linh hoạt, cả chiều rộng cũng như chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng quyền lựa chọn cho sinh viên. Giáo dục khai phóng được thiết kế để thúc đẩy sinh viên gia tăng mong muốn và khả năng học hỏi, suy nghĩ chín chắn, giao tiếp thành thạo, trở thành công dân có trách nhiệm với xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên uy tín trong lĩnh vực giáo dục đại học, các nhà quản lý giáo dục và cả những người trải nghiệm và trưởng thành từ giáo dục khai phóng ở nước ngoài đã chia sẻ về khả năng đưa mô hình giáo dục này đến Việt Nam trong tương lai.
Bà Đàm Bích Thủy - Hiệu trưởng ĐH Fulbright Việt Nam, trường ĐH theo mô hình giáo dục khai phóng, cho biết các mô hình giáo dục khác dạy sinh viên kiến thức, kỹ năng để làm một công việc cụ thể. Còn giáo dục khai phóng có ba nguyên tắc: dạy cách học, học cách nghĩ và học cách sống.
Sinh viên năm nhất chưa cần trả lời câu hỏi ra trường sẽ làm gì, tránh cho sinh viên đưa ra quyết định khi mới bước qua tuổi 18. Trong 2 năm tiếp theo, sinh viên được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau một cách tự chọn, không áp đặt để các em khám phá ra mình say mê điều gì, khát khao làm việc gì nhất để đưa ra quyết định.
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn trao đổi ý kiến tại hội thảo. |
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, GS.TS Phạm Quang Minh cho biết, giáo dục đại cương tại Việt Nam hiện nay và từng có riêng trường ĐH Đại cương trước đây có thể xem là một phần của giáo dục khai phóng. Tuy nhiên cách thực hiện các môn học và mục đích thực hiện chưa hợp lý khiến mô hình này phát triển chưa thành công.
Theo bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam và ông Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, kế hoạch triển khai mô hình giáo dục này sẽ được tiến hành vào kỳ tuyển sinh đại học tới.
Với khả năng đào tạo con người toàn diện của giáo dục khai phóng, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục ĐH tại Việt Nam. Đây sẽ là sự chuẩn bị tốt về nhân lực cho thị trường tương lai trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 sắp diễn ra.