Bảng xếp hạng đại học ở Việt Nam chỉ có tính tham khảo

Bảng xếp hạng Đại học được một nhóm nghiên cứu độc lập công bố vào đầu tháng 9 vừa qua, đã nhận được nhiều phản hồi từ lãnh đạo một số trường đại học, nhiều chuyên gia giáo dục và người quan tâm. Trước những ý kiến trái chiều, nhóm đã có những giải đáp về vấn đề này.

Buổi tọa đàm về xếp hạng đại học được tổ chức hôm 6/9 thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo giới và sau này là dư luận.  Ảnh: Giáp Văn Dương.


Sản phẩm nghiên cứu khoa học có nhiều tính chất thử nghiệm

Theo đại diện nhóm, Đề án xếp hạng này chủ yếu nhằm thử xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Bản thân Bảng xếp hạng chỉ là một sản phẩm nghiên cứu khoa học có nhiều tính chất thử nghiệm, do đó qua thời gian và cùng với những phản hồi, sản phẩm này sẽ trở nên tốt hơn, đưa tới cái nhìn chính xác và toàn diện hơn về bức tranh đại học Việt Nam.


"Bộ tiêu chí được đề xuất và sử dụng trong báo cáo là dưới góc nhìn riêng của nhóm xếp hạng. Dù “tốt” hay không “tốt”, chúng ta không nên xem sản phẩm này là “duy nhất”. Trong tương lai sẽ có những nhóm nghiên cứu khác, tổ chức khác đưa ra bộ tiêu chí nào đó phù hợp hơn và có những bảng xếp hạng khác thuyết phục hơn. Độc giả của bảng xếp hạng cũng có thể tự đưa ra những tiêu chí của riêng mình. Với nhóm xếp hạng, đây không phải là bộ tiêu chí cuối cùng, mà chúng sẽ được điều chỉnh cập nhật và tốt hơn trong tương lai", đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết.


Nhóm nghiên cứu muốn nhấn mạnh rằng bảng xếp hạng này chỉ có ý nghĩa tham khảo. Đánh giá toàn diện một cơ sở giáo dục đại học cần rất nhiều tham số, thậm chí có những tham số không thể định lượng được. Kết quả của bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục, thông qua những thước đo mà nhóm nghiên cứu sử dụng đê xây dựng Bảng xếp hạng. 


Vị trí cao thấp giữa hai cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn không có nghĩa trường này “tốt” hơn trường kia. Bên cạnh đó, có nhiều trường nằm ngoài bảng xếp hạng năm nay, chỉ xuất phát từ nguyên nhân thiếu số liệu của các trường này. Do đó, không nằm trong bảng xếp hạng không có nghĩa các trường này có chất lượng “kém” hơn những trường có tên trong báo cáo này.


Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo không nên dùng những chỉ số kỹ thuật này để đánh giá chất lượng tổng thể của một cơ sở giáo dục đại học, một nhiệm vụ cần những khảo sát, kiểm định về giáo dục toàn diện, đầy đủ và chuyên sâu hơn. Đặc biệt, không đồng nhất vị trí của các trường với kỳ vọng công ăn việc làm sau này của các sinh viên.


Thứ hạng của các trường không như dư luận nhìn nhận


Nhóm nghiên cứu khẳng định, trường có vị trí thấp hơn trong bảng có xếp hạng  không đồng nghĩa với việc có chất lượng kém hơn. Bởi đánh giá một cơ sở giáo dục đại học cần rất nhiều tham số, thậm chí có những tham số không thể định lượng được.


Kết quả của bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần nào đó chất lượng của cơ sở giáo dục, thông qua những chỉ số và thước đo được sử dụng khi xây dựng Bảng xếp hạng. Vị trí cao thấp giữa hai cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn không có nghĩa trường này “tốt” hơn trường kia ở tất cả các mặt, thậm chí ở nhóm tiêu chí đó.


Nhóm khuyến cáo không nên dùng những chỉ số kỹ thuật này để đánh giá chất lượng tổng thể của một cơ sở giáo dục đại học, một nhiệm vụ cần những khảo sát, kiểm định về giáo dục toàn diện và chuyên sâu hơn của các tổ chức đánh giá chuyên nghiệp khác.


Trước câu hỏi: “Tại sao các trường đại học được cho là “có uy tín” lại có thứ hạng thấp hơn mong đợi?”, nhóm nghiên cứu đưa ra mệnh đề cần trả lời câu hỏi: Thế nào là một “đại học tốt”? Nhóm xếp hạng cho rằng có sự khác nhau về cách hiểu thế nào là một đai học tốt. Từ cách hiểu đó, bộ tiêu chí để đánh giá đại học tốt là khác nhau.


Cách hiểu của nhiều phụ huynh học sinh, và một bộ phận trong xã hội có xu hướng muốn đánh giá đại học dựa vào các yếu tố: thương hiệu truyền thống, điểm thi đầu vào đại học và khả năng tìm việc làm sau khi ra trường. Nói chung sẽ tập trung nhiều vào các tiêu chí liên quan đến giáo dục và cảm nhận về thương hiệu. Theo góc nhìn này, những trường như Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội,... phải có những vị trí cao. Những trường này điểm chuẩn đầu vào rất cao và khả năng xin được việc làm tốt sau khi ra trường.


Tuy nhiên, nhóm xếp hạng đánh giá đại học ở góc nhìn khác. Bên cạnh các tiêu chí giáo dục và đào tạo, chúng tôi đo lường thêm các tiêu chí về nghiên cứu khoa học, tập trung vào đầu ra xuất bản trên các ấn phẩm quốc tế có bình duyệt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đo thêm các yếu tố về cơ sở vật chất và quản trị. 


Khi áp dụng bộ tiêu chí đó, nhiều trường có thứ hạng không cao là do công bố khoa học (bao gồm cả quy mô về số lượng bài công bố và năng suất tính theo số bài công bố trên đầu giảng viên) trên các ấn phẩm quốc tế còn khá mờ nhạt. Hơn nữa, quy mô tuyển sinh lớn hơn so với nguồn cán bộ tiến sĩ đang công tác cũng là một yếu tố khiến cho vị trí xếp hạng bị thấp xuống. Đây chỉ là những lý do phác thảo chung, vì để lý giải thứ hạng từng trường cần căn cứ điểm số được đánh giá cho đặc thù mỗi trường đó.


Bên cạnh khác biệt về cách hiểu “đại học tốt”, thứ dẫn đến các tiêu chí đánh giá khác, thứ hạng cao- thấp cũng bị ảnh hưởng bởi chất lượng dữ liệu, bộ chỉ số đo và cảm nhận của người dùng. Trong tương lai, nhóm sẽ cải thiện bộ chỉ số và chất lượng dữ liệu để đo lường tốt hơn các yếu tố khác phục vụ xép hạng (tỷ lệ việc làm, danh tiếng trường, đánh giá của nhà tuyển dụng…).


Lê Vân/Báo Tin Tức (ghi)
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về bảng xếp hạng đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về bảng xếp hạng đại học

Mới đây, một nhóm nghiên cứu độc lập đã công bố kết quả xếp hạng 49 trường đại học đã gây xôn xao dư luận. Đánh giá về việc này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN