Các tham luận, nghiên cứu được chia chủ đề thảo luận. Ảnh: L.S |
Đây là hội thảo quốc tế về Tâm lý học lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á, có sự góp mặt của hàng trăm chuyên gia Tâm lý học đến từ 35 quốc gia trên khắp thế giới.
Hội thảo là dịp để góp phần nâng cao vai trò và tăng cường sự đóng góp của tâm lý học trong đời sống xã hội; nâng cao năng lực cho các nhà tâm lý học Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung thông qua các khóa tập huấn về các kỹ thuật, phương pháp và lý thuyết nghiên cứu/thực hành tâm lý học hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tại hội thảo, hầu hết các vấn đề tâm lý học của xã hội hiện đại đều được đề cập như chuyên đề mang tính lý luận cao Tâm lý học trị liệu và tham vấn, Xung đột và giải quyết xung đột trong tổ chức, Stress và Hạnh phúc. Cùng với đó, các vấn đề xã hội cấp thiết như Quan hệ cha mẹ và con, Cuộc sống của người cao tuổi, Trợ giúp tâm lý xã hội cho đối tượng có hoàn cảnh xã hội đặc biệt, Phát triển đời sống tâm lý lành mạnh ở thanh thiếu niên, Tác động của mạng xã hội đến sự phát triển của thanh thiếu niên Việt Nam... cũng lần lượt được đề cập.
Các nhà khoa học Việt Nam đóng góp khoảng 50% báo cáo tại Hội thảo trong sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. |
Tất cả các báo cáo khoa học được trình bày dưới nhiều hình thức bao gồm 13 bài phát biểu chủ chốt (Keynotes) trong phiên toàn thể của các nhà khoa học ngành tâm lý học đẳng cấp thế giới; 13 hội nghị chuyên đề (symposium), 24 tiểu ban; và 97 poster trình bày các chủ đề đa dạng khác nhau xoay quanh câu hỏi liên quan đến hạnh phúc, sự khỏe mạnh của con người, sự phát triển bền vững trong những bối cảnh, lĩnh vực, môi trường khác nhau, trong sự đa dạng và biến đổi không ngừng của văn hóa và xã hội.
Như vậy, ngoài các bài của phát biểu chủ chốt, đã có 436 báo cáo của các cá nhân và nhóm nghiên cứu từ 34 quốc gia sẽ được trình bày tại Hội thảo này, trong đó các báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam chiếm khoảng 50%.
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH& NV Hà Nội nhấn mạnh, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều vấn đề xã hội mà chúng ta càng phải đối mặt. Để giải quyết những vấn đề đó thì không phải lúc nào cũng có đủ chính sách hay những biện pháp hành chính. Mặt khác, cho dù các biện pháp hành chính có hay đến mấy cũng không thể giải quyết nổi những vấn đề tâm lý xã hội hiện nay; mà cần vai trò của các nhà tâm lý học.
Vì vậy, để giải quyết những vấn đề như vậy chúng ta cần phải có thêm nhiều nhà tâm lý học chuyên nghiệp, chất lượng, trình độ cao hơn nữa. Do đó, có thể nói, các nhà tâm lý học là “những bác sĩ xã hội” quan trọng nhất để chữa trị những căn bệnh nghiêm trọng nhất của xã hội.
Hội đồng Khoa học có sự tham gia của 21 thành viên là các nhà khoa học có uy tín thuộc 11 quốc gia (Việt Nam, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Rumani, Hà Lan, Bangladesh, Malaysia, Indonesia, Japan); trong đó có thể kể đến các nhà khoa học quốc tế như: GS.TS Janel Gauthier (Canada), GS. Lyn Littlefield (Australia), GS. Dragos Iliesco (Rumani), GS. Kan Zhang (Trung Quốc), GS. Janak Pandey (Ấn Độ), GS. Hamdi Muluk (Indonesia), GS. Najib Ahmad Marzuki (Malaysia), GS. Akira Tsuda (Nhật Bản)...
Một số học giả từ Việt Nam tham gia Hội đồng Khoa học của Hội thảo như: PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy, PGS.TS. Lê Văn Hảo, PGS.TS. Phan Thị Mai Hương (Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), PGS.TS. Trương Thị Khánh Hà, GS.TS. Nguyễn Hữu Thụ, GS.TS. Trần Thị Minh Đức (Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN), PGS.TS. Trần Thị Tú Anh (ĐH Sư phạm Huế), TS. Nguyễn Thị Trâm Anh (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu (ĐH Sư phạm Hà Nội), PGS.TS Bùi Xuân Mai (ĐH Lao động - Xã hội, TP Hồ Chí Minh).
|