Không để truyền thống 'tôn sư trọng đạo' bị xâm hại

Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Nhà giáo cần được bảo vệ, được làm việc trong môi trường an toàn nhất, để được yên tâm làm nghề.

Những vụ việc liên tiếp xảy ra gần đây như vụ cô Nhung ở một trường Tiểu học ở Long An bị ép buộc phải quỳ xin lỗi học sinh; Vụ hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) là “nạn nhân” bị hành về tìm kiếm việc làm; Vụ bà Phạm Thị Ngà có con theo học tại Trường Mầm non Việt - Lào thành phố Vinh (Nghệ An) bắt cô giáo Hằng phải quỳ xin lỗi, hành hung cô giáo này đang mang bầu phải nhập viện… càng làm cho dư luận xã hội bức xúc.

Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: dantri.com.vn

Những ngày qua, nhiều tiếng nói phản đối, lên án hành vi của các phụ huynh đó. Nhưng cho dù cả cộng đồng lên án, vẫn có những người không thấy đó là hành vi phi đạo đức, họ vẫn tấn công, hạ nhục giáo viên. Những hành vi đó đã xâm hại truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt có từ nghìn năm nay. “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, truyền thống “tôn sư trọng đạo” ấy đã trở thành nét đẹp văn hóa bao đời nay của người Việt.

Trải qua những thăng trầm cuộc sống, cũng có lúc xã hội không mặn mà với ngành Sư phạm, sinh viên thi vào trường Sư phạm chỉ như “chuột chạy cùng sào”. Tốt nghiệp Sư phạm không dễ tìm việc làm. Muốn có việc làm phải chạy chọt, lo lót như hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) là “nạn nhân” chạy việc, đang đứng trước nguy cơ mất việc, khóc hết nước mắt. Đi dạy tuy không đủ sống nhưng dù sao cũng có cái để tồn tại, bị mất việc sẽ lấy gì để sống. Nguyên nhân ngành Sư phạm bị coi thường vì nhiều người quan niệm nghề giáo nghèo và bị hành như ở huyện Krông Pắk. Nhưng không chỉ thế, môi trường Sư phạm bị bạo lực xâm nhập vì đạo đức xã hội xuống cấp.

Cần phải xử lý thật nghiêm những phụ huynh có hành động côn đồ trong trường học. Cả xả hội cần lên án hành động không thể chấp nhận này. Nhà giáo cần được bảo vệ, được làm việc trong môi trường an toàn nhất, để được yên tâm làm nghề. Tại sao phụ huynh lại được quyền xông vào trường học, chửi bới, ép giáo viên quỳ như vậy? Họ làm thế là đang gieo rắc mầm bạo lực vào đầu con cái mình.

Hãy nhớ rằng, trong bậc thang giá trị của người Việt, nhà giáo từng được xếp sau vua và trước cha mẹ: “quân - sư - phụ”. Bởi, dẫu không phải là đấng sinh thành, nhưng thầy giáo là người dìu dắt mỗi thế hệ học sinh lớn lên về trí tuệ, tâm hồn, sự hiểu biết. Với vinh dự và trọng trách lớn lao ấy, Việt Nam đã có nhiều nhiều nhà giáo nổi tiếng như: Chua Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thiếp, Lê Quý Đôn… đã góp phần làm rạng danh truyền thống quê hương, đất nước.

Nhưng nay trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN, đất nước đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, trong bối cảnh “bùng nổ” thông tin trên nền Internet dẫu không còn bị ràng buộc bởi những lễ giáo cổ xưa, nhưng vẫn luôn được nhân dân và bao thế hệ học trò tiếp tục gìn giữ, phát huy bằng cái tâm hướng về thầy, cô giáo. Bên cạnh tục “mồng ba Tết thầy”, Đảng, Nhà nước đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam” để người dân, các bậc phụ huynh và nhiều thế hệ học trò tổ chức các hoạt động với những việc làm thiết thực để tôn vinh, dâng tặng thầy, cô giáo. Đây cũng là dịp toàn xã hội động viên, cổ vũ các nhà giáo vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh vể vàng về trồng người.

Những hành vi sai trái, xúc phạm đến nghề giáo diễn ra gần đây chỉ là nhất thời, cần điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để lập lại trật tự kỷ cương, truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, sự học đã trở thành nhu cầu bức thiết của mỗi người, mỗi nhà. Giáo dục được xem là “quốc sách hàng đầu”, nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Nhân tố quyết định chất lượng và sự phát triển của giáo dục nước nhà đã được xã hội hết sức quan tâm bằng nhiều chính sách, cơ chế như: sinh viên sư phạm được miễn học phí. Ngành Sư phạm đã có nhiều chính sách, cơ chế để thu hút tài năng, do đó, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng cao.

Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, mỗi thầy, cô giáo lại trở thành một tấm gương về tinh thần tự học và sáng tạo. Mỗi người thầy phải tự khẳng định mình bằng thực tiễn dạy học và rèn luyện phẩm chất đạo đức của bản thân, phải trăn trở, cải tiến phương pháp dạy học. Giáo viên phải gần gũi, cảm thông và chia sẻ cùng học sinh niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật; kịp thời động viên, khích lệ các em vượt qua khó khăn, giúp các em gặt hái thành công.

Nhà giáo không chỉ được tôn vinh là “kỹ sư tâm hồn”, mà nghề dạy học còn được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, không để truyền thống “Tôn sư trọng đạo” bị xâm hại.

Vũ Xuân Bân (TTXVN)
Hết giáo viên phải quỳ tới bị đánh suýt sảy thai, môi trường giáo dục liệu có lành mạnh?
Hết giáo viên phải quỳ tới bị đánh suýt sảy thai, môi trường giáo dục liệu có lành mạnh?

Sự việc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh chưa lắng xuống thì mới đây, 1 giáo sinh ở Nghệ An bị phụ huynh bắt quỳ và dùng bạo lực khiến cô có nguy cơ sảy thai khiến ngành giáo dục và dư luận đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN