Hà Nội: Bãi bỏ quy định đóng góp tự nguyện dễ dẫn đến 'lạm thu'

Sẽ không còn bất cứ khoản đóng góp nào có tên gọi là khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường phổ thông công lập trên toàn thành phố Hà Nội.

Những khoản gọi là đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội sẽ không còn kể từ từ 5/2 tới . Ảnh: TTXVN

Thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND về việc bãi bỏ Điều 11 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND thành phố ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao).

Trước đó, điều 11 của Quyết định 51 ban hành năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội có nội dung về thu, chi các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường.

Quy định nêu rõ trong trường hợp ngân sách nhà nước và khoản thu học phí chưa đáp ứng được hết các nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị, các trường được huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh.

Bên đóng góp không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường.

Dù quy định rõ ràng như vậy, nhưng việc đưa ra quy định mở cho các khoản thu dưới cái tên tự nguyện tạo ra nhiều vấn đề tiêu cực trong việc thu chi các khoản thu cho nhà trường.

Những năm qua, các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa hoặc mua sắm trang thiết bị gây không ít bức xúc cho phụ huynh khi một số trường lợi dụng để lạm thu, đặc biệt là vào các dịp đầu năm học. Chỉ tính riêng trên địa bản Hà Nội, đầu năm học 2017-2018, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã phát hiện và xử lý gần 20 trường có những khoản thu không đúng quy định.

Trước đó, lý giải về việc nhiều trường để “lách” quy định chống lạm thu dưới danh nghĩa là đóng góp “tự nguyện” hay “thỏa thuận” của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết rằng cùng với các quy định về thu - chi, Bộ cũng đã có những giải pháp về thanh tra, kiểm tra hết sức chặt chẽ và quyết liệt. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm là do người đứng đầu ngành Giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, không theo dõi giám sát các quy định đó được thực hiện ra sao và công tác kiểm tra, xử lý sai phạm tại một số địa phương cũng chưa được làm tới nơi tới chốn.

Như vậy, việc bãi bỏ Điều 11 của Quyết định 51 là hành động quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội vào cuộc cùng Bộ GD-ĐT khắc phục tình trạng lạm thu trong trường học gây bức xúc trong thời gian qua.

Quyết định 04/2018/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2/2018.

Minh Đăng/Báo Tin tức
Ý kiến độc giả xung quanh tình trạng lạm thu đầu năm học
Ý kiến độc giả xung quanh tình trạng lạm thu đầu năm học

Sau khi đăng bài viết “Lạm thu đầu năm học, tại ai?”, Báo Tin Tức tiếp tục nhận được nhiều ý kiến độc giả xung quanh việc lạm thu đầu năm học. Xin gửi đến quý độc giả một số ý kiến đa chiều của các bậc phụ huynh xung quanh vấn đề được quan tâm mỗi dịp đầu năm học này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN