Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: 'Nóng' lương giáo viên

Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 5/12.

Hội thảo tiếp tục là diễn đàn trao đổi các vấn đề “nóng” trong giáo dục với sự tham gia của 15 lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng các hiệu trưởng, nhà giáo cốt cán đến từ các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh phía Bắc tham dự hội thảo.

Lương giáo viên và miễn học phí đến cấp THCS tiếp tục "nóng"

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa trình Chính phủ đề xuất nhiều quy định mới. Dự thảo nói trên tập trung sửa đổi, bổ sung 29 điều nhưng đáng chú ý nhất là đề xuất về tiền lương cho giáo viên và miễn học phí cấp Trung học cơ sở (THCS).

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ thực tế ở địa phương. Ảnh: L.S

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, qua gần 12 năm thực hiện, Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay, một số nội dung cơ bản của hệ thống giáo dục trong Luật như: cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông, SGK, phân luồng sau trung học, giáo dục thường xuyên, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục… đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, phần đông các nhà giáo thể hiện vui mừng khi lương nhà giáo được đề nghị xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp tại dự thảo. Điều này góp phần giúp nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho ngành; đồng thời thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm.

Việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên trình độ cao đẳng, ý kiến từ các địa phương khẳng định: đây sửa đổi cần thiết và khả thi, vì hiện nay hầu hết giáo viên tiểu học đã đạt trên chuẩn. Nếu được chính thức đưa vào Luật, điều này sẽ thúc đẩy chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo, ông Phạm Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình cho rằng: Vấn đề nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ trình độ trung cấp lên cao đẳng ở các tỉnh đồng bằng giờ không phải là vấn đề khó khăn khi đa số các địa phương tỷ lệ giáo viên có trình độ cao đẳng đạt tới 80-90%. Vấn đề nâng chuẩn giáo viên cần phải tính làm sao phù hợp với nhiều núi, vùng sâu vùng xa. Và cần phải có lộ trình để các vùng này có sự chuẩn bị theo kịp những gì luật đưa ra.

Trong khi đó, đại diện Sở GD-ĐT Hưng Yên cũng đồng tình với dự thảo nói trên. Địa phương cũng xác định, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ trình độ trung cấp lên cao đẳng là cần thiết, phù hợp. Về tiền lương, cán bộ, giáo viên trong ngành mong chờ từ lâu, thể hiện đúng nguyện vọng. Việc miễn học phí bậc học THCS, sở đồng tình để làm tốt công tác phổ cập, phân luồng học sinh.

Vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học phí, trong đó đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí dến học sinh THCS trường công lập tại dự thảo Luật cũng nhận được sự đồng tình, nhất trí cao. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Phạm Văn Đại bày tỏ lại sự đồng thuận nhưng đồng thời lo ngại việc không thu học phí với bậc học THCS khi miễn học phí trường công lập THCS, các trường dân lập sẽ bị sức ép về mặt tuyển sinh. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu tăng tỷ lệ trẻ học trường ngoài công lập các cấp.

Ông Đại chia sẻ: Theo tôi luật nên quy định tất cả học sinh ở bậc tiểu học và THCS đều được cấp học phí, trong đó nêu rõ mức cấp cho trường công lập, dân lập. Điều này sẽ tạo ra sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong xã hội.

Đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi

Bên cạnh những ý kiến đóng góp về vấn đề miễn học phí cho học sinh THCS, lương cho giáo viên, hay nâng chuẩn giáo viên tiểu học, nhiều ý kiến từ Sở Giáo dục các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình... đề xuất miễn học phí với bậc mầm non.


Theo một số ý kiến, đóng góp vào ngân sách nhà nước từ học phí của cấp học này chỉ chiếm 3-5% chi phí đầu tư cho hoạt động giáo dục. Con số này rất nhỏ nên việc miễn học phí là cần thiết. Các đại biểu cũng cho rằng, cần hỗ trợ cả những trẻ mầm non thuộc diện được miễn học phí nhưng phải học tại cơ sở tư thục do trường công không đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là khu đô thị đông dân cư.

Đề xuất dựa trên cơ sở Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỷ lệ trẻ đi học là 98,75%.

Theo đại diện Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ đã đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi hệ giáo dục công lập. Đề xuất dựa trên cơ sở Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đến trường là 92,16%, trẻ 5 tuổi là 98,75%, tính đến năm học 2016-2017. Nghị quyết 29 của Đảng cũng đặt ra mục tiêu miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi trước năm 2020.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật; hy vọng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ mang lại niềm vui cho những người làm giáo dục, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Sau hai phiên hội thảo tại Đại học Thái Nguyên và Đại học Quốc gia Hà Nội, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục các hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật này tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Bộ GD-ĐT được Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo 2 dự án Luật là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Dự án Luật này sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vào tháng 5/2018.


Lê Sơn/Báo Tin tức
Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Đa số ý kiến đồng tình
Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Đa số ý kiến đồng tình

Tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức ở trường ĐH Thái Nguyên mới đây, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất tăng lương, miễn học phí bậc học trung học cơ sở để làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN