Đây là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái đã gìn giữ từ nhiều đời nay và ngày càng lan tỏa ra cộng đồng.
Từ sáng sớm, dòng người đổ về nơi tổ chức lễ hội Then Kin Pang. Các cô gái Thái mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, nô nức đi chơi hội. Khuôn mặt xinh xắn, nước da trắng trong những bộ váy đẹp khiến nhiều trai bản xao xuyến và du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của người con gái Thái.
Then Kin Pang có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái, là tổng thể những diễn xướng dân gian phản ánh nhận thức về thế giới quan, vũ trụ quan và nhân sinh quan; bày tỏ nguyện vọng về một cuộc sống bình an, khỏe mạnh; ước mong một mối quan hệ tốt đẹp với các lực lượng thiên nhiên…
Truyền thuyết của người Thái kể lại rằng, sau Pô Phà (Vua Trời) là Then có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, con người. Vì vậy, Vua Trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc. Người nào gặp rủi ro, vận hạn, Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản Mường yên vui no ấm. Đây cũng là ngày các Lụ liệng - Lụ hương (tức là những người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then.
Lễ hội gồm 2 phần: Phần Lễ và phần Hội. Trong phần Lễ tổ chức dâng hương tại nhà Then và khai mạc Lễ hội. Bước vào hành lễ, bà Then mặc trang phục của Then, vừa hát, vừa đánh tính tẩu, diễn xướng như đối thoại được với các đấng thần linh tối cao trên trời. Với lối hát Then truyền thống, như kể, xin, bà Then cầu cúng cho bà con trong bản, trong xã những điều tốt đẹp, luôn khỏe mạnh, no ấm, cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt. Trong khi bà Then cúng, mọi người thường thắp hương lên bàn thờ Then cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc.
Tại phần Hội, người dân và du khách cùng tham gia nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và đặc trưng của đồng bào Thái như chơi các trò chơi dân gian: Té nước đẩy gậy, kéo co, tung còn, én cáy, tó má lẹ, đi cầu kiều, té nước hay thưởng thức trình diễn trang phục dân tộc Thái; các điệu múa xòe, thăm quan không gian văn hóa dân tộc Thái… Đây còn là dịp để trai gái gặp gỡ thể hiện mình qua những câu hát, điệu múa để làm quen, kết duyên.
Chị Thùng Thị Thên, Bản Mấn, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ cho biết: Lễ hội Then Kin Pang là văn hóa độc đáo của đồng bào Thái trắng mình, hiện nay đã lan toản rộng rãi và mọi người biết đến. Thế hệ trẻ sẽ tiếp tục cố gắng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đó.
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Khu vực Mường So, Khổng Lào, huyện Phong Thổ là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái trắng. Những năm qua, bằng những chính sách, chủ trương, huyện Phong Thổ đã đưa ra nhiều chương trình, đề án phát triển văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn, trong đó có đồng bào dân tộc Thái. Là địa bàn có rất nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có phong tục tập quán, đời sống riêng biệt. Huyện Phong Thổ phát huy văn hóa cộng đồng của đồng bào để phát triển du lịch; động viên nhân dân trên địa bàn giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng các tổ, đội văn nghệ và gây dựng lại các phong tục, tập quán tốt đẹp… kích thích được người dân đổi mới tư duy làm du lịch và tăng thu nhập cũng như quảng bá hình ảnh huyện Phong Thổ đến với du khách gần xa.
Lễ hội Then Kin Pang của người Thái huyện Phong Thổ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tăng cường ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Lễ hội còn là dịp để nhân dân các dân tộc cùng hội tụ giao lưu văn hóa, tình cảm, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào truyền thống dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.