Thăm nơi Bác Hồ từng sống, làm việc, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi là thế hệ trẻ ở miền Nam được sinh ra khi nước nhà đã độc lập, có dịp được ghé thăm Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Chú thích ảnh
Lán Nà Nưa nằm dưới chân núi Hồng và đang là địa chỉ đỏ để mỗi thế hệ mai sau nhớ về Bác. Trong ảnh là đường dẫn lên Lán Nà Nưa. 

Tại đây, chúng tôi khá ấn tượng với khu di tích lán Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Nơi đây từng là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền trong cả nước thành công.

Đến xã Tân Trào, chúng tôi được một hướng dẫn viên người Tày đưa đi tham quan, tìm hiểu về khu di tích lán Nà Nưa. Trước khi đến với lán Nà Nưa, chúng tôi phải đi qua một cây cầu nối giữa hồ Nà Nưa với một dòng suối, rồi đến gần chân núi Hồng. Từ chân núi Hồng, chúng tôi tiếp tục vượt qua 79 bậc tam cấp. Theo lời hướng dẫn viên, 79 bậc tam cấp ở đây tượng trưng cho 79 tuổi của Bác Hồ.

Chú thích ảnh
Thế hệ trẻ miền Nam chinh phục 79 bậc tam cấp tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác Hồ để đến với căn lán Nà Nưa ở bìa rừng Nà Nưa. 

Lán Nà Nưa nằm trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng (lán do Bác trực tiếp đi chọn địa điểm), ẩn mình kín đáo dưới các tán cây rậm rạp nhằm bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái.

Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ để lấy ánh sáng. Ở chái phía Tây có sàn (người Tày gọi là thích) để hai ống bương (bắng) nước. Mặt sàn bằng phên nứa đan nong mốt. Phía dưới, đầu sàn của lán là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi trời tối.

Chú thích ảnh
Căn lán nhỏ đơn sơ nằm ở dưới chân dãy núi Hồng, Bác Hồ đã sống những ngày tháng gian khổ để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước

Chị Lê Thị Lan Hương, hướng dẫn viên của Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tại đây, dù Người chỉ ở và làm việc có 3 tháng nhưng Người  đã ban hành rất nhiều chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng của đất nước như: Thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành Mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa)... Đặc biệt, ở đây Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang- Thái Nguyên; thống nhất các lực lượng vũ trang lại là Quân giải phóng.

Chú thích ảnh
Hai ống nứa dựng trước lán Nà Nưa là vật dụng đi lấy nước uống hàng ngày của Bác Hồ. 
Chú thích ảnh
Trước căn lán Nà Nưa hiện vẫn còn có 3 tảng đá lớn, đây là nơi Bác Hồ hay ngồi nghỉ ngơi hóng gió và làm việc. 

"Trước khi diễn ra các sự kiện lịch sử trong tháng 8, vào cuối tháng 7, Bác Hồ đã có một trận ốm thập tử nhất sinh tại chính căn lán Nà Nưa, xã Tân Trào. Lúc Người ốm nặng, người cận kề bên Bác Hồ khi đó chính là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. May mắn, trong một lần ghé thăm lán Nà Nưa, cố đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại cho chúng tôi nghe như sau: "Vào một buổi chiều cuối tháng 7, cố đại tướng đi từ làng Kim Long đến lán Nà Nưa thì thấy Bác Hồ không ngồi bên ngoài lán đọc sách, làm việc như mọi khi mà Người lại ngồi dựa lưng vào tường của lán. Thấy Bác Hồ như vậy và linh cảm có chuyện chẳng lành, cố đại tướng đã xin Bác Hồ ngủ lại một đêm ở lán. Lúc đầu sợ phiền cố đại tướng, Bác Hồ đã từ chối. Tuy nhiên, khi thấy sức khỏe mình đang yếu nên Bác cũng quyết định đồng ý cho bác Giáp ở lại trong lán với mình. Đến nửa đêm, khi Bác Hồ bị sốt cao và nghĩ mình sẽ không qua khỏi, Bác Hồ đã gọi bác Giáp lại nói chuyện. Chính lúc này, Bác Hồ đã nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Sau này, đây được xem là câu nói bất hủ của Bác Hồ trong suốt thời gian chiến đấu  dành độc lập dân tộc và đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945", chị Lê Thị Lan Hương cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Tại căn lán Nà Nưa ngày nay còn có nơi để thế hệ trẻ chúng tôi cùng thắp hương tưởng nhớ về Bác Hồ và gửi lời cảm ơn, lòng tôn kính đến vị cha già của dân tộc. 

"Sau khi biết bệnh tình của Bác không ổn, cố đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết một bức thư hỏa tốc báo cáo tình hình của Bác Hồ cho những lãnh đạo ở thủ đô Hà Nội và đại tướng đi về làng Kim Long, xã Tân Trào tìm một ông thầy lang lên bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho Bác Hồ. Sau khoảng 1 tuần uống thuốc của thầy lang, bệnh tình của Bác Hồ đã thuyên giảm và dần dần hồi phục bình thường. Ngày nay, nhiều người dân tại xã Kim Long cũng không ai biết rõ cụ lang năm xưa đã đi đâu và phương thuốc ông thầy lang dùng để cứu chữa cho Bác Hồ khi đó như thế nào...”, chị Lê Thị Lan Hương nói.

Chú thích ảnh
Trong tháng 5, nhiều cán bộ, đơn vị ở các tỉnh thành phố trên cả nước cũng đã có những chuyến về nguồn ý nghĩa tại căn lán Nà Nưa, xã Tân Trào, Tuyên Quang. 

Ngoài ra, tính từ ngày 13 - 15/8/1945, tại khu rừng Nà Nưa, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Vì điều kiện sức khỏe, Người không dự đầy đủ các phiên họp nhưng vẫn chỉ đạo Hội nghị và góp nhiều ý kiến phân tích tình hình một cách rõ ràng và khoa học. Theo Quyết định của Hội nghị, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm 5 đồng chí, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo. Thành lập Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Ngày 16/8/1945, Người dự Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào. Đại hội đã bầu Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Chú thích ảnh
Xung quanh di tích lán Nà Nưa còn rất nhiều cây tre phủ bóng mát cho du khách khi đến tham quan và tìm hiểu về cuộc sống của Bác Hồ ở nơi đây. 

Sau khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, tại căn lán Nà Nưa, Bác Hồ đã họp với các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng và Trần Thị Minh Châu; và Bác Hồ nói: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội nhưng chưa được đâu! Lê nin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây và giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no hơn, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa... Vì vậy chỉ có một số đồng chí lãnh đạo Đảng về Hà Nội và đã có một số lãnh đạo ở lại Tân Trào”. Đến ngày 22/8/1945, mặc dù còn mệt nhưng Bác Hồ đã quyết định rời căn lán Nà Nưa để về Hà Nội và tiếp tục lãnh đạo Cách mạng Việt Nam cho đến ngày Bác ra đi. 

Có thể nói, từ một căn lán nhỏ đơn sơ - lán Nà Nưa dưới chân dãy núi Hồng, Tuyên Quang mà Bác Hồ đã vạch đường chỉ lối cho toàn dân tộc, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại: Dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Vì vậy, khi đứng tại căn lán nhỏ này, trong tâm trí thế hệ trẻ miền Nam, chúng tôi lại nhớ về hình ảnh và tấm gương sáng về đức hy sinh trong thời kỳ kháng chiến của Bác Hồ và hôm nay, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động và thầm hứa với lòng phải tiếp tục nỗ lực sống, phấn đấu và làm việc theo Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tình cảm và lòng ngưỡng mộ của người dân Hungary đối với Bác Hồ
Tình cảm và lòng ngưỡng mộ của người dân Hungary đối với Bác Hồ

Trong những ngày tháng 5 này, không chỉ người dân Việt Nam mà bạn bè quốc tế ở nhiều nơi trên thế giới đang tích cực tổ chức những hoạt động hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhân cách lớn, danh nhân văn hóa thế giới, nhà cách mạng giải phóng dân tộc đã mang lại độc lập tự do cho đất nước Việt Nam và luôn dày công vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN