Đã gần 70 năm trôi qua, câu chuyện thú vị này vẫn còn nguyên những giá trị nhân văn cũng như ngoại giao giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga.
Hai con voi này đã phải đi suốt hơn một năm tại Việt Nam để đến được biên giới với Trung Quốc. Từ đây, hai con voi cùng đoàn gồm 4 quản tượng, 1 phiên dịch viên và đại diện của Chính phủ Việt Nam được di chuyển bằng tàu hỏa tới Bắc Kinh, nơi đoàn lưu lại 2 tháng để voi thích nghi với khí hậu mới và đồ ăn. Sau đó, 2 con voi lại băng qua vùng Siberia rộng lớn, đi qua Chita, Irkutsk, Novosibirsk, Omsk, Perm và đến ga hàng hóa Leningrad - Phần Lan của thành phố Saint Petersburg ngày 9/10/1954.
Nơi ở mới của hai con voi Xung và Cung (tên trong bản dịch tiếng Việt tác phẩm truyện tranh “Xung và Cung - Đôi bạn voi dũng cảm” do NXB Kim Đồng phát hành), là Vườn bách thú Leningrad. Ngày nay, đến vườn bách thú gần 160 tuổi ở thành phố Saint Petersburg, bạn không còn thấy voi hay khu vực nuôi voi. Nhân viên của vườn bách thú cho biết ngôi nhà trước kia của Xung và Cung hiện là nơi ở của một chú hươu cao cổ. Tuy nhiên, trong khuôn viên vườn bách thú vẫn trưng bày những bức ảnh kể về hai con voi Việt Nam. Nhân viên vườn bách thú Elena cũng dẫn phóng viên TTXVN tại Nga đến kho chứa các vật dụng lưu niệm trước đây, trong đó vẫn lưu lại một tấm biển giới thiệu về voi châu Á.
Xung và Cung là những con voi chiến đã vận chuyển những cây to cho một xưởng sản xuất diêm và sau đó lập được nhiều chiến công khi tham gia vận chuyển súng đạn, lượng thực cho du kích trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Việt Nam đã chọn những con voi to nhất để tặng thành phố Leningrad. Vì vậy, khi đến Liên Xô, cả 2 con voi đều đã nhiều tuổi. Cuốn sách “Những con vật trong vườn bách thú Leningrad” của E. Denisenko viết rằng theo giấy tờ cả 2 con voi sinh năm 1907, tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc Vườn bách thú Berlin (Đức), Giáo sư Heinrich Date khi đến thăm thì Xung ít tuổi hơn so với tuổi trong "hộ chiếu", sinh khoảng năm 1918-1920. Một điểm đáng chú ý khác trong cuốn sách của Denisenko đó là dịch từ tiếng Việt ra tiếng Nga Xung có nghĩa là Hùng trong từ “anh hùng” và Cung có nghĩa là Công trong từ “chiến công”.
Điều thú vị chưa dừng lại ở đây, ngày 9/12/1956, voi cái Cung đã sinh hạ được một chú voi con. Đầu tiên, voi con được đặt tên Leks - chữ cái ghép của các từ Leningrad, Cung và Xung. Tuy nhiên, do là voi cái nên voi con được gọi là Leksi. Việc Leski ra đời là sự kiện chưa từng và cũng là duy nhất đối với Vườn bách thú Leningrad. Leksi cũng đã đem lại những niềm vui vô bờ bến cho các trẻ em đến vườn bách thú. Điều này được thể hiện qua những bức ảnh chụp chung của Leski với trẻ em thành phố Leningrad. Đáng tiếc, niềm vui này không kéo dài lâu, khi voi mẹ Cung bất ngờ qua đời năm 1957. Còn Leksi cũng chỉ sống đến ngày 6/4/1959, nguyên nhân sau này được xác định là do còi xương, thiếu canxi. Đến năm 1960, Xung có "bạn gái" mới là một con voi châu Phi 15 tuổi đến từ rạp xiếc của Pháp, tên là Krospi. Hai con voi này sống với nhau trong một thời gian dài đúng 20 năm, song không có thêm voi con nào nữa. Xung qua đời ở tuổi 78 vào năm 1981 và là chú voi cuối cùng của Vườn bách thú Leningrad.
Ở khía cạnh văn hóa, hai con voi Việt Nam đã trở thành huyền thoại trong câu truyện tranh nổi tiếng của họa sĩ tài năng Vladimir Shevchenko và nhà viết văn cho thiếu nhi nổi tiếng Liên Xô và Nga Vitaly Bianchi. Ban đầu, câu chuyện về hai con voi Việt Nam chỉ là những bức tranh trong luận văn tốt nghiệp của họa sĩ Shevchenko. Bà Galina Nikolskaya, con gái họa sĩ nổi tiếng Vladimir Shevchenko kể lại: “Bố tôi đã biết đến hai con voi trong một bài viết ngắn trên báo và người viết bài là nhân viên vườn thú Vladimir Aleksandrov. Bố tôi tìm gặp và phỏng vấn Vladimir Aleksandrov và biết rõ câu chuyện về hai con voi. Ông ấn tượng với câu chuyện vì chính mình từng là người lính và vì câu chuyện này liên quan đến hai nước, liên quan đến những con người thú vị, Hồ Chí Minh, Việt Nam và cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và ông cũng rất kính trọng nhân dân Việt Nam dũng cảm. Ông đã vẽ được những bức tranh tuyệt để bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp”.
Sau đó, có người khuyên Shevchenko nên xuất bản câu chuyện về hai con voi Việt Nam. Shevchenko đã tìm đến nhà văn Vitaly Bianchi để viết lời cho câu chuyện. Những bức vẽ của Shevchenko đã gây ấn tượng mạnh với Bianchi và thế là truyện tranh “Xung và Cung” ra đời tại Liên Xô năm 1957. Theo lời bà Galina, cuốn truyện tranh này đã phát hành tới 1 triệu bản, song cho đến nay không còn tìm được bản gốc. Bà Galina cũng cho biết cuốn truyên cùng với truyện tranh kể về trận chiến Borodino phỏng theo thơ Lermontov là hai tác phẩm, nổi tiếng nhất của họa sĩ tài hoa Shevchenko. Đặc biệt, truyện "Xung và Cung" đã trở thành biểu tượng hạnh phúc của họa sĩ Shevchenko vì cuốn truyện đã giúp cho sự nghiệp của ông cất cánh.
Có mặt trong buổi triển lãm về họa sĩ Shevchenko tại Moskva, dịch giả Nguyễn Quốc Hùng, người tham gia dịch ra tiếng Việt truyện tranh “Xung và Cung”, bày tỏ: “Câu chuyện này rất cảm động. Và tôi nghĩ cần chuyển tải đến càng nhiều độc giả đọc càng tốt, đặc biệt là ở Việt Nam vì nhiều người còn chưa biết về câu chuyện này". Theo dịch giả Nguyễn Quốc Hùng, đây là một trang đối thoại văn hóa rất rực rỡ giữa hai nước, hai dân tộc và những người trẻ càng cần biết thêm về truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước.