Do đường cao tốc ra đảo chưa hoàn thành, chúng tôi vẫn đi từ Cẩm Phả sang theo đường cũ, qua các đảo nhỏ trước đi đến đảo Cái Bầu, nơi có thị trấn Cái Rồng, trung tâm của huyện .
Ngoài Cái Bầu, huyện đảo Vân Đồn còn các đảo lớn khác như Quan Lạn, Minh Châu... Với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ bao quanh phía bắc và đông bắc vịnh Bái Tử Long (trong đó trên 20 đảo có người ở), diện tích trên 551 km2, Vân Đồn luôn là một địa bàn chiến lược, một cửa ngõ hiểm yếu của đất nước, một vùng có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch và cũng là một vùng mang những dấu ấn văn hoá, lịch sử đặc sắc.
Theo các nhà nghiên cứu, người Việt cổ đã có mặt ở Vân Đồn từ rất sớm với nhiều di chỉ khảo cổ. Di chỉ hang Soi Nhụ thuộc thời kỳ đồ đá mới, sớm hơn cả văn hóa Hạ Long. Tên Vân Đồn có nguồn gốc từ núi Vân trên đảo Quan Lạn. Năm 980, nhà Tiền Lê đã lập đồn Vân ở đây. Sang triều Lý, dưới thời vua Lý Anh Tông, năm 1149, Vân Đồn chính thức được thành lập, trấn giữa địa bàn cửa ngõ chiến lược, đồng thời trở thành thương cảng của Đại Việt, sầm uất các đời Lý, Trần, Hậu Lê, giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vân Đồn còn là nơi in đậm dấu ấn lịch sử trong công cuộc chống ngoại xâm. Năm 1288, trên sông Mang, đảo Quan Lạn, dưới sự chỉ huy của danh tướng Trần Khánh Dư,quân dân nhà Trần đã đánh tan đoàn thuyền của giặc, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.
Cùng với những dấu ấn về văn hoá, lịch sử, Vân Đồn còn là nơi có tiềm năng du lịch tuyệt vời. Vân Đồn thu hút du khách trong và ngoài nước với cảnh quan tuyệt vời của khu bảo tồn thiên nhiên Bái Tử Long, các hang động kỳ thú, những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp trên các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, cảnh quan độc đáo trên các đảo Hòn Đũa, Hòn Thiên Nga...
Thăm Vân Đồn hôm nay, dù trời đang mưa, chúng tôi đã có chuyến đi vòng quanh đảo chính Cái Bầu để cảm nhận về cuộc sống và con người nơi đây. Đường sá trên đảo khá tốt. Các công trình hạ tầng ở đây đang được nâng cấp. Đường cao tốc nối thẳng từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long về đã sắp thông xe. Các công trình lớn khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Sân bay Vân Đồn đã đón chuyến bay đầu tiên, đang khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống nhà ga đón khách để khai thác thương mại vào đầu năm sau. Khu du lịch giải trí đang triển khai các hạng mục chính... Được biết, Quảng Ninh có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư vào một số dự án khác ở Vân Đồn, như các khu du lịch sinh thái đảo Phượng Hoàng, khu du lịch biển Hòn Soi Nhụ, Hòn Chín... Trên đảo Cái Bầu dự án khu du lịch sinh thái có tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Sau khi ghé thăm sân bay và khu du lịch giải trí, chúng tôi đến thăm Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, nơi có cảnh quan rất đẹp bên bờ vịnh Bái Tử Long. Thiền viện được xây dựng trên nền chùa Phúc Linh Tự, có từ thời Trần cách đây hơn 700 năm. Thiền viện này được khánh thành 10 năm trước, với các công trình kiến trúc đẹp, hài hoà với thiên nhiên. Một ngày mưa nhưng khách thập phương đến đây vẫn rất đông.
Chúng tôi ghé qua khu vực cảng Vạn Hoa trước khi về thị trấn Cái Rổng, huyện lỵ của Vân Đồn. Cái Rồng giờ đã là một trung tâm lớn, đường sá nhà cửa khang trang, mật độ dân số khá đông. Cảng Cái Rồng, một cảng chính trong hệ thống thương cảng của Vân Đồn xưa, vẫn rộn ràng tập nập. Các con bên cầu cảng đang giao nhận hàng hoá, hải sản mới cập bờ. Từ đây còn có các tàu chở khách đi đến các đảo khác, nối mạch giao thông giữa trong huyện.
Ở thị trấn Cái Rồng và tại cầu cảng, chúng tôi có một số cuộc trò chuyện với người dân, những cuộc gặp gỡ khá cởi mở. Chúng tôi có một cảm nhận chung: Người dân đều muốn Vân Đồn có cơ hội phát triển nhưng vẫn bảo đảm được sự ổn định, tránh những xáo trộn không đáng có và bảo đảm an ninh chung cho đất nước. Về đất đai, sau một thời kỳ giá đất tăng nhanh, các giao dịch gần đây ở Vân Đồn có phần trầm lắng trong một sự chờ đợi những quyết định cuối cùng về mô hình phát triển của vùng quần đảo này.
Vân Đồn không chỉ là câu chuyện của người Vân Đồn hay Quảng Ninh mà là vấn đề ở tầm quốc gia. Mô hình, cơ chế, chính sách nào để Vân Đồn phát huy hết tiềm năng, mở cửa, cất cánh phát triển, đồng thời lại bảo đảm vững chắc an ninh biên giới lãnh thổ ở một địa bàn cửa ngõ, yết hầu chiến lược của đất nước vẫn đang là một vấn đề đang được tiếp tục thảo luận, lắng nghe để có những quyết sách ở cấp nhà nước cho tương lai của khu vực này.
Khi chúng tôi rời đảo Cái Bầu về đền Cửa Ông viếng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, danh tướng nhà Trần, người có nhiều công lao trong lịch sử khi trấn giữ vùng biên ải đông bắc hiểm yếu này cho tổ quốc, ở Vân Đồn mưa vẫn đang rơi!