Chị Hồng Mai (Tòa nhà N07, Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có hai con, nhưng những người ở cùng tầng chả ai muốn tiếp xúc với chị vì “bảo vệ con thái quá”.
Trẻ em rất cần được tương tác và học được rất nhiều qua những rắc rối gặp phải. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Tầng chị Mai ở hầu như nhà nào cũng có từ 1- 2 trẻ con đang độ tuổi mầm non, tiểu học. Vì vậy, mỗi lần lũ trẻ chơi ở hành lang là như “cái chợ vỡ”. Chị Nguyễn Thị Minh (hàng xóm nhà chị Mai) vẫn chưa thôi ấm ức vì chuyện bà giúp việc về kể: “Hôm nay bọn trẻ chơi, Su (con chị Mai) và Kay (con chị Minh) đánh nhau (hai cháu đều 3 tuổi). Cô Mai vừa đi làm về thấy thế vội vã giằng hai đứa nhỏ ra và chỉ vào mặt Kay nói: Cái thằng đánh người này, đi về nhà ngay, chơi không được đánh nhau”.
Chị Minh nói: “Trẻ con chơi với nhau có lúc đánh nhau là chuyện rất bình thường, nếu giận quá thì bế con về nhà rồi nói chuyện sau. Đằng này chỉ vào mặt đứa trẻ và nói như vậy rất không nên. Vì không chứng kiến nên tôi chỉ còn cách khuyên bác giúp việc là không cho con chơi với con nhà đấy nữa”.
Đến tuổi, lũ trẻ tập patin ở hành lang, chị Mai cũng áp sát để con không bị ngã. Có một cháu nhỏ cùng chơi và vô tình đẩy nhau với con chị Mai, chị cũng vội lao đến to tiếng: “Sao mày lại đẩy bạn như vậy. Lần sau cấm cái kiểu chơi đẩy bạn như vậy, nhớ chưa!”. Đứa bé đứng chưa vững trên đôi giày patin nhìn chị Mai đầy ngạc nhiên, xen lẫn sợ hãi.
Chị Mai hào hứng dắt con về nhà trong lòng đầy đắc thắng vì bảo vệ được con mình. Nhưng từ đó, các gia đình ở tầng này đều không muốn tiếp xúc với gia đình chị Mai. Vài người trong đó tỏ ra bức xúc trước vẻ “trông ăn mặc như tri thức nhưng hành động lại như chưa từng được học hành”.
Chị Nguyễn Minh Thu (Giáo viên trường mầm non Hoa Hướng Dương, đường Hoa Bằng, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Gặp những phụ huynh “bay vè vè quanh con” các cô cũng đến mệt vì giải thích các tình huống. Ví dụ như: Hôm nay vì sao cô lại để con bị sứt trán to như thế, ảnh hưởng đến não của con; Vì sao, mẹ đã để bộ quần áo sạch để thay khi về sao cô vẫn để con mặc bộ quần áo bẩn như vậy; Vì sao dạo này tối đến là con buồn ngủ sớm thế, trưa cô không quản để con ngủ à; Vì sao về đến nhà là con đói và ăn nhiều hơn mọi lần, có phải vì ở trường cô không ép cho con ăn phải không. Có những phụ huynh tôi phải lưu vào nhóm “SOS” để sẵn sàng trả lời các câu hỏi “vì sao hôm nay...”. Thực sự, nếu phụ huynh chỉ để ý vô tình gây áp lực như vậy khiến giáo viên cảm thấy mệt mỏi hơn mà thôi”.
Còn bé thì lo con bị bắt nạt, lo thiệt hơn, lớn hơn chút nữa thì cấm đoán con không được chơi “với trẻ mà mẹ không thích”. Cháu Nguyễn Hằng Nga (lớp 6, trường Nguyễn Siêu, Hà Nội) tâm sự: “Cháu rất thích chơi với bạn Hương cùng lớp vì bọn cháu hợp tính nhau, làm bài rất ăn ý nhưng mẹ cháu lại không cho cháu chơi cùng. Ban đầu mẹ nói rằng bạn bị bệnh bạch tạng sợ lây nhưng cháu không nghĩ như vậy. Nếu lây thì làm sao đến trường học chung được. Bây giờ thì mẹ rất gay gắt, khiến cháu rất bất mãn”.
Chuyện các bậc phụ huynh can thiệp quá sâu đến việc học, chơi và những vấn đề khác ở học đường đã gây ra những hậu quả khôn lường sau này mà gần đây đã có minh chứng. Đó là chuyện trẻ tự tử vì cảm thấy mệt mỏi khi thực hiện ước mơ “trở thành bác sĩ” của mẹ.
TS Lê Nguyên Phương, có thâm niêm 20 năm làm công việc tư vấn tâm lý học đường tại Mỹ, đồng thời là tác giả của 2 tập sách “Dạy con trong hoang mang” đang “hot” hiện nay chia sẻ: “Cụm từ Cha mẹ trực thăng lần đầu tiên được nhắc đến trong cuốn sách Cha Mẹ và Trẻ Vị Thành Niên do TS Haim Ginott viết và được xuất bản năm 1969. Tại đây có những ví dụ rất điển hình về mẫu cha mẹ này. Còn tôi gọi đó là những phụ huynh cứ tưởng họ là cây cao che bóng mát cho con, thực ra là phủ bóng tối lên đời con. Thực tế cái trẻ cần sự chủ động và tự quyết trong đời sống thì nhiều bậc cha mẹ lại không biết điều chỉnh mức độ hỗ trợ hay kiểm soát mà vẫn tiếp tục dạy con theo kiểu giám sát”.
Nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục khẳng định, bản thân cha mẹ cần biết tự làm mới mình, học hỏi và lắng nghe hành động của trẻ một cách ôn hòa, từ đó, bằng cách nói chuyện để trấn an chính những cảm xúc nhất thời để trẻ có những tiếp cận tích cực.