Sự là thế này: Ngày đó nằng nặc xin thi Ngoại ngữ nhưng ba không cho, ba bảo con gái dạy mấy môn xã hội sẽ tốt hơn, mềm mại và dịu dàng. Tôi né môn Văn, nhờ Hằng đăng kí thi môn Sử thế nhưng ngày nhập học, điểm danh không thấy tên mình. Lật đật chạy lên phòng đào tạo thắc mắc mới hay, mình là sinh viên lớp văn.
Chưa bao giờ tôi thích môn học cần sự tưởng tượng, cần huy động tất cả các giác quan để cảm nhận như môn Văn. Với tôi, môn học này dành cho những ai có năng khiếu …vì ý nghĩ nông nổi đó mà tôi không có tâm thế học hành.
Còn nhớ, tiết học đầu tiên thầy hỏi: “Các em có hay đọc sách không?”. Cả lớp im phăng phắc, tôi thì nghĩ, nếu rảnh thì xem phim, nghe đài, thời buổi của văn hóa nghe nhìn mà thầy còn khuyến khích đọc. Như thấy được ý nghĩ táo tợn của tôi, thầy kiên quyết: “Văn hóa nghe nhìn rất thông dụng và tiện lợi, thế nhưng nó vẫn không thể nào thay thế văn hóa đọc được!.”.
Thầy nhấn mạnh, các em hãy nhớ: “Không có sách, lịch sử im lặng, văn chương câm điếc, khoa học tê liệt, tư tưởng và suy xét ứ đọng. Tủ sách có thể giúp khám phá bao điều kì thú trên thế giới, không đọc sách là “phí nửa cuộc đời”, những lời thầy nói, tôi say sưa nghe .
Thầy là người Hà Nội, nét thanh cao của người Hà thành luôn hiện rõ ở thầy từ mái tóc, dáng đi, giọng nói, nét cười... Ở thầy, sự cao quý đi cùng giản đơn, lịch thiệp đi với dân dã…. Còn nhớ, thầy đi dạy bằng chiếc xe máy đời cũ, thế nhưng, thầy vẫn mặc bộ complet, đeo cà vạt để đứng lớp.
Tóc thầy đã trắng nửa đầu nhưng tiếng thầy to vang, giọng thầy không trầm bổng trữ tình nhưng rất cuốn hút. Lời giảng của thầy nghe vang vang, làm xao động nắng trưa, đánh thức tinh thần học tập của từng sinh viên. Lớp tôi học trên tầng hai, buổi trưa gió hiu hiu nhưng đừng hòng có trò nào ngủ gật. Trong tiết Văn, cô cậu nào cũng chăm chú nghe thầy giảng bài.
Hôm đó, thầy trả bài kiểm tra học phần. Thầy luôn chú trọng việc giúp học sinh nhận biết đúng sai hơn là cho học sinh biết điểm số. Thầy có một lời khen trước lớp:
- Thầy đã rất ấn tượng với một bài làm và quyết định ghi điểm giỏi. Bài dù không mượt mà câu chữ, diễn đạt chưa trọn vẹn nhưng bạn ấy đã có suy nghĩ rất táo bạo, một phát hiện hay. Thầy tin, với những sáng tạo như vậy, chỉ cần cố gắng để làm giàu vốn từ, rèn luyện chút nữa cách diễn đạt thì bạn ấy sẽ học giỏi Văn!
Cả lớp xôn xao đoán già đoán non, quanh đi quẩn lại cũng là những cái tên nổi trội, thầy mời tác giả của bài làm đó đứng dậy và cả lớp vỗ tay rần rần. Tôi đã không tin cái tên được gọi là mình. Hãnh diện trước cả lớp, tôi quyết sẽ học tốt môn Văn…
Tôi học tập hoàn toàn tự giác chứ không vì một sự đối phó nào cả. Nghe thầy giới thiệu về tác phẩm, tác giả nào và nói, nếu không đọc thì coi như mất nửa cuộc đời thế là tôi đến ngay thư viện tìm đọc. Thầy nhắc học sinh: Một người biết trau dồi kiến thức sẽ dễ thành công hơn chỉ biết tự mãn.
Nếu không học hành thì chúng ta đang lãng phí bộ óc. Tôi nghe thầy, một buổi học ở trường, một buổi ngồi thư viện, ngày nào cũng kết thúc bằng một buổi ở phòng đọc và cầm về một quyển sách… Bây giờ thì không ngạo mạn công kích nữa mà quay ra yêu văn vì như lời thầy nói, văn chương mang một sứ mệnh cao đẹp, có tính tự giáo dục, giúp ta thanh lọc tâm hồn, sống đúng, sống đẹp…
Với bất cứ một lứa học sinh nào, thầy đều nói “Tôi muốn mình sẽ là một viên sỏi lót đường để các em đi đến đỉnh cao của tri thức!”.
Xin tri ân thầy bằng tấm lòng vì ngần ấy con chữ không thể diễn đạt hết tình cảm của học trò. Giờ thì học trò đã hiểu vì sao William A. Warrd lại nói “Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng ".
Là một cô giáo dạy văn, em đang đi trên con đường mà thầy đã chỉ, em đang cầm phấn bằng cảm hứng mà thầy đã truyền, thưa thầy! ...