Sự phát triển của Internet đã làm thay đổi rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có văn học. Sự xuất hiện của các trang mạng xã hội như blog, facebook, của các diễn đàn văn học trên mạng như vanchuongviet.org, vanvn.net, ngonngu.net... đã góp phần thúc đẩy quá trình giao tiếp văn học, đồng thời khơi gợi tiềm năng sáng tạo văn học của nhiều tác giả, đặc biệt là với những người có khiếu văn chương, giúp họ dễ dàng chuyển tải tác phẩm đến bạn đọc, góp phần phát triển và nâng đỡ họ trở thành nhà văn.
Đa dạng diện mạo văn học Nhiều tác giả trẻ đã nổi lên, và có những đối tượng độc giả của riêng mình như Nguyễn Thu Thủy, Quỳnh Thy, Leng Keng, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Gào, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch, Anh Khang, Trần Thu Trang, Nguyễn Phong Việt,... Ngay cả một số nhà thơ, nhà văn có tên tuổi cũng bước vào sân chơi này, khi đưa sản phẩm của mình đến với cộng đồng mạng thông qua các trang blog, trang web cá nhân,... như Nguyễn Quang Thiều, Đặng Thân, Nguyễn Trọng Tạo...
Nhờ mạng Internet, các tác phẩm văn học mạng được lan tỏa rộng. |
Có thể nói, giữa thời đại công nghệ, chỉ cần một chiếc điện thoại, một chiếc iPad, hay một chiếc máy tính có hỗ trợ Internet, mọi người đều có thể lướt web bất cứ lúc nào, thì sự phát triển của văn học mạng là tất yếu. Phần lớn nội dung các tác phẩm văn học mạng này đều mang đề tài hiện đại, gần gũi với đời sống đương đại nên được giới trẻ đặc biệt yêu thích, nhất là thể loại tiểu thuyết ngôn tình. Nhưng cũng nhờ đó, văn học mạng ở nước ta nhanh chóng hình thành với nhiều sắc thái, diện mạo khác nhau.
TS. Trần Ngọc Hiếu, nhà phê bình văn học nhận định: Diện mạo của văn học mạng Việt Nam ở thời điểm hiện nay là sự hợp lưu của ba nhánh chính gồm nhánh văn học mạng xuất phát từ blog cá nhân; nhánh văn học mạng xuất phát từ các tạp chí văn chương điện tử tiếng Việt cập nhật đều đặn; văn học dân gian đương đại sáng tác và lưu truyền qua mạng. Trong đó, với nhánh văn học mạng xuất xứ từ blog, các tiểu thuyết có đề tài chủ yếu xoay quanh tình yêu đôi lứa và những cảm xúc, suy tư trước những vấn đề xã hội… nên được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt, nhiều cuốn sách thể loại này có trong danh mục sách bán chạy nhất trong năm qua.
Nhánh thứ hai là các tác phẩm đăng trên các website văn học điện tử. Các website văn học này trở thành đất cho những thể nghiệm văn học cực đoan nhất, mạnh mẽ nhất trong vài ba năm trở lại đây. Nhánh văn học thách thức với thị hiếu thời thượng, tự xác định vị trí đứng ở ngoại vi, vị trí của một dòng phụ lưu bên cạnh dòng văn chương đứng ở trung tâm, thuộc về chính lưu, sống vừa vặn trong không gian không chính thống. Còn nhánh thứ ba - bộ phận văn học dân gian đương đại được sáng tác và lưu hành qua mạng với các thể loại giễu nhại, cười cợt chiếm ưu thế. Nhờ mạng Internet, thể loại có tốc độ phát tán cực kỳ nhanh chóng, sức phổ cập hết sức rộng lớn. Điểm chung giữa loại hình văn học dân gian đương đại mạng với truyền thống nằm ở chỗ đều tồn tại trong một không gian phi chính thống, là tiếng nói của đại chúng, từ bộ phận bên trên của xã hội, tác giả chấp nhận vô danh, không sở hữu bản quyền…
Theo nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu, nếu nhánh thứ nhất của văn học mạng Việt Nam góp phần định hình nên dòng văn học thị dân kiểu mới, thì nhánh thứ hai nhằm thách thức những ý niệm về văn học hiện có. Tất cả đã cho thấy văn học thực ra chỉ là những quy ước, những hiện tượng lịch sử không bất biến. Còn nhánh thứ ba, là một dạng thời sự mạng, một kênh truyền thông của cư dân mạng. Sự tồn tại của cả ba nhánh văn học này cho thấy văn học đương đại đang vận động với ý thức dân chủ hóa, phá vỡ sự quan liêu, sự cố thủ của cái trung tâm. Và ở thời điểm này, văn học mạng đã góp phần làm đa dạng hóa diện mạo của nền văn học đương đại.
Tiềm ẩn rủi roKhông thể phủ nhận, sự xuất hiện và phát triển của văn học mạng đã góp phần đa dạng diện mạo văn học đương đại Việt Nam. Và cũng không thể coi toàn bộ những tác phẩm đăng online là loại văn chương mạng, còn non kém… Bởi lẽ, một tác phẩm văn học có chất lượng, dù công bố trên mạng hay trên sách báo đều sẽ được bạn đọc đón nhận.
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã ví văn học mạng như một sân chơi với những lối chơi của sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Và sân chơi này dành cho tất cả mọi người. Sự ra đời của văn học mạng đã làm thay đổi cách thức đọc, thị hiếu đọc phổ thông của độc giả, đồng thời còn góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, thay đổi quan niệm về văn học, quan niệm về xuất bản theo một cách riêng, trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật phát triển.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận, đây cũng là một sân chơi đầy thử thách, bởi sự lan truyền nhanh của Internet, mà văn chương của các tác giả dễ bị đánh cắp, bị đọc chùa, bị phát tán trên nhiều trang web và diễn đàn khác. Thêm vào đó, có những mối lo ngại liên quan đến việc một số tác giả viết nhanh, viết vội, viết theo thị hiếu, chiều lòng tính giải trí của các bạn đọc dễ dãi, nên sản phẩm viết ra thường hời hợt, non về tư tưởng lẫn nghệ thuật, thậm chí chứa đựng nhiều nội dung lệch lạc… đặt bạn đọc trước những thử thách trong việc tiếp nhận. Các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên, giới trẻ cần có thái độ nghiêm túc, tự lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật đích thực và sẵn sàng loại trừ, tẩy chay những sản phẩm hời hợt, không có giá trị.
Nhà nghiên cứu văn học Quách Thị Thu Hiền, Viện Văn học Việt Nam cho biết, chị đã từng làm cuộc khảo sát, và thấy đối tượng độc giả của văn học mạng chủ yếu là giới trẻ, từ 13 -27 tuổi. Nên chăng, chúng ta cần tìm hiểu tại sao giới trẻ lại quan tâm và hào hứng khi đón nhận những cuốn tiểu thuyết ngôn tình như vậy, và liệu những người lớn có cần định hướng cho trẻ nên đọc những tác phẩm như thế nào, để không bị lệch lạc hay không.
Bên cạnh đó, sự tự do của văn học mạng không chỉ tạo không gian tự do cho người viết, mà còn tạo không gian dân chủ cho người đọc. Trên các trang mạng xã hội, đã từng xảy ra những cuộc tranh luận như một cuộc hỗn chiến, có khuynh hướng công kích, tư thù cá nhân… dễ dẫn đến những cuộc ẩu đả ngôn từ trên mạng. Nếu không tỉnh táo, bạn đọc trẻ sẽ khó lòng phân biệt đâu là giá trị đích thực của tác phẩm. Hơn nữa, việc gặp gỡ giữa tác giả và người đọc quá dễ dàng, nên đã dẫn đến tình trạng nhiều cây bút ngộ nhận về tài năng và giá trị của mình… Chính vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng, các cây bút của văn học mạng cần có một sự tỉnh táo khi lựa chọn văn học mạng cho con đường phát triển văn chương của mình.