Con cái nghiện điện thoại: Lỗi tại ai?

Nhiều phụ huynh "kêu trời" rằng: Từ đứa trẻ 2 tuổi đến vị thành niên đều chăm chú vào điện thoại, chẳng đoái hoài gì đến xung quanh. Rồi họ lo lắng những hệ lụy đi kèm, nhưng đến khi “truy” căn nguyên của tình trạng này, họ mới "ngã ngửa" rằng ... lỗi tại mình.

Cô giáo hướng dẫn trẻ tự kỷ nhận diện hình ảnh. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Chị Nguyễn Phương Hoa (Tổ 18, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Hầu như mọi gia đình có con nhỏ mà tôi biết đều cho con sử dụng điện thoại từ khi còn rất nhỏ. Đó như là cách để trẻ ăn nhiều hơn, ngoan ngoãn hơn. Nhiều trẻ từ 3-4 tuổi đã sử dụng điện thoại thông minh một cách thành thạo. Như là biết bấm mật khẩu, biết lựa chọn các chương trình mình muốn”.


Thực tế, quan sát từ nhiều gia đình cho thấy, từ lúc ăn dặm để “con tăng cân”, “ăn nhanh”, bố mẹ đã cho con xem chương trình dành cho trẻ con ở Youtube. Con lớn hơn một chút thì họ lý do là để con học tiếng Anh.


Chưa hết, ở nơi công cộng nào cũng có thể bắt gặp những trẻ em đang độ tuổi mầm non dán mắt vào màn hình điện thoại một cách chăm chú. Ai cũng có một “người bạn ảo” cho mình, ít có sự trò truyện tương tác.


Cũng nhiều trường hợp phải đến bác sĩ do những bệnh lý từ điện thoại gây ra như là trẻ chậm nói, tự kỷ. Bà Nguyễn Thị Minh (ở Đô Lương, Nghệ An) được các con nhờ lên Hà Nội để trông cháu chữa ngọng. Bà Minh ngán ngẩm tâm sự: “Con trai tôi có hai cháu, một 3 tuổi, một 5 tuổi nhưng chúng chả khi nào thích đi chơi, chỉ dành nhau cái điện thoại để xem hoạt hình. Khi còn bé thì bác giúp việc dỗ chúng ăn bằng điện thoại. Khi lớn hơn để chúng không tranh giành, gào thét thì chỉ cần cho cái điện thoại là chúng thôi khóc, thôi đánh nhau. Giờ mới thấy hậu quả, đứa lớn bị ngọng, đứa bé thì 3 tuổi rồi không chịu nói. Giờ mỗi sáng, tôi chờ một y tá đến nhà để chữa ngọng cho cháu lớn trong vòng 1 giờ, rồi lại đưa cháu đến trường mẫu giáo. Còn cháu nhỏ được con tôi thuê một giáo viên chuyên về trẻ tự kỷ dạy. Mỗi ngày cô giáo ấy đến trường mẫu giáo cháu đang học dạy 1 tiếng”.


Bà Minh than thở: “Lên nhà các con luôn cảm thấy lạc lõng. Sau bữa cơm hai đứa nhỏ thì chơi điện thoại. Bố mẹ chúng mỗi người một cái điện thoại. Khi hỏi hai vợ chồng đều nói là đang trao đổi công việc. Vậy là ở nhà chả ai nói với ai câu nào”. Bà Minh cũng có góp ý với gia đình con trai rằng, bố mẹ dù bận đến mấy cũng cần bỏ ra khoảng thời gian để đưa con ra ngoài chơi, không nên để con sử dụng điện thoại nhiều như vậy. 


Nhưng khi ấy, con dâu lại cho rằng: “Hai vợ chồng con đi làm tối ngày, mệt lắm rồi. Về nhà còn phải cơm nước, dọn dẹp. Ông bà hai bên có ai giúp được gì đâu. Thuê người ở lại họ cũng lại để cho con mình xem thôi. Có cái điện thoại xem chúng mới chịu ăn, chịu ngồi yên chứ”. Thấy vậy, bà Minh chỉ thở dài, không đôi co.


Khi trẻ đã lớn hơn một chút nữa mới là sự đau đầu của nhiều bậc phụ huynh. Với lý do để liên lạc với con, hầu như học sinh ở độ tuổi THCS, THPT đều có điện thoại liên lạc. Ở độ tuổi này, nhiều em đã sử dụng thành thạo nhiều tính năng của điện thoại thông minh. Trong khi, tại Việt Nam, nhiều địa điểm công cộng dùng wifi miễn phí. Học sinh có thể truy cập mạng bất cứ lúc nào.


Anh Lê Nguyên (có con học THPT trường Hoàng Hoa Thám,Hà Nội) cho biết: Từ khi con trai lên học cấp II, tôi đã sắm cho con điện thoại để tiện đưa đón. Nhưng chiếc điện thoại này lại có tính năng kết nối internet nên từ đó cháu lại mê trò chơi điện tử và mạng xã hội facebook. Kết quả từ năm học lớp 7 cháu học hành sa sút, liên tục cáu gắt, cục cằn khi nói chuyện. Thu điện thoại thì cháu tỏ ra chống đối.


TS Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, trong những ca khám về biếng ăn của trẻ thì nguyên nhân được chỉ ra nhiều nhất vẫn là sự ngộ nhận của chính cha mẹ. Nếu cha mẹ để trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại sẽ gây ra những rối loạn hành vi ăn uống ở trẻ và có ảnh hưởng cả cuộc đời sau này.


Theo khảo sát của Tổ chức y tế thế giới WHO, để trẻ sử dụng các thiết bị di động sẽ tác động rất xấu đến tâm sinh lý của trẻ: Làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, sự suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên điện thoại, gây ra các bệnh tim mạch cho trẻ, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ…


Theo PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, việc sử dụng điện thoại thông minh từ sớm khiến trẻ mắc các bệnh về mắt. Chưa kể, với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng mềm, tính giao tiếp của trẻ. Ở các nước phát triển, việc sử dụng điện thoại thông minh được cha mẹ quy định 1- 2 tiếng/ngày. Nhưng ở Việt Nam, trẻ đã được sử dụng điện thoại thông minh với thời gian không giới hạn khá phổ biến do nhiều cha mẹ cũng phụ thuộc rất nhiều vào điện thoại và chưa hiểu hết tác hại của thứ công nghệ này mang lại.

HA/Báo Tin tức
Cộng đồng mẹ bỉm sữa chia sẻ kinh nghiệm giúp con thoát nhanh suy dinh dưỡng
Cộng đồng mẹ bỉm sữa chia sẻ kinh nghiệm giúp con thoát nhanh suy dinh dưỡng

Rất nhiều những chia sẻ trên cộng đồng mạng gần đây đều xoay quanh vấn đề suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ. Không ít mẹ nhờ trao đổi kinh nghiệm đã tìm được giải pháp hiệu quả giúp con mình tăng cân, tăng chiều cao, thoát khỏi suy dinh dưỡng, thấp còi, bắt kịp đà tăng trưởng chỉ sau 3 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN