Ngày phơi nắng...
Đất Tĩnh Gia – Thanh Hóa luôn là vùng đất tâm điểm nắng nóng vào mỗi mùa Hè. Một trưa cuối tháng 6, cái nắng chói chang cùng với hơi nóng bốc lên từ mặt đường khiến cho không khí trở nên ngột ngạt. Nhiệt độ đo ngoài trời lên tới gần 50 độ C. Với 11 người, Đội quản lý vận hành số 1, Điện lực Tĩnh Gia (thuộc Công ty Điện lực Thanh Hóa) của anh Lường Tú Long phải quản lý 12 xã và thị trấn, bán kính lên tới 35 km.
Tại vị trí điểm cột ven nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, đội trưởng Đội 1 Lường Tú Long cùng anh em lên cột làm công tác vệ sinh sứ cách điện (vệ sinh bằng nước áp lực cao trên đường dây đang mang điện). Chiếc xe ô tô chở thùng nước cách điện, máy áp lực... đỗ lại. Những người thợ điện bắt đầu dòng dây dẫn nước, kiểm tra độ an toàn của các thiết bị và nguồn nước để phun.
“Kiểm tra chỉ số nước tốt, máy tốt, phun được rồi đó”, tiếng anh Long kiểm tra và chỉ đạo anh em.
Sau phiên làm việc gần 2 giờ, ngồi nghỉ chưa kịp ráo mồ hôi, đội của anh Long lại nhận được thông tin có sự cố tại Trạm biến áp Thị trấn 5. Đây là Trạm biến áp cung cấp điện cho nhiều khu vực quan trọng, cơ quan nhà nước và tiểu khu 5, 6 Thị trấn Tĩnh Gia. Di chuyển quãng đường gần 10km đến điểm sự cố, lúc này đã là giữa trưa. Nắng nóng khiến cho gương mặt những người thợ điện thêm mồ hôi, những chiếc áo lấm tấm ướt.
Vừa thao tác trên trạm biến áp, anh Long vừa kể, vào ngành điện cũng cả chục năm, số lần đi xử lý sự cố về điện đếm không xuể. Cứ đến mùa nóng, mấy anh em lại chạy không hết việc. Vì nắng nóng, người dân sử dụng điện tăng, hiện tượng chập, nhảy áp... liên tục. Nắng nóng như vậy, nhưng nhiều khi cũng thành quen, dần dần thích và yêu nghề lúc nào không hay.
Có những ngày nắng nóng bỏng rát mặt, nhưng chỉ cần nghe có thông báo mất điện tại nhà dân, những người thợ điện lại tay xách nách mang, nào thang, kìm, đồ bảo hộ lên đường...
Về đến nhà đã gần 20h tối, gia đình đã dùng xong bữa cơm, lũ trẻ lên phòng học bài. Anh Lường Tú Long ngồi vào mâm cơm một mình. Trước khi cưới nhau, chị Nguyễn Thị Quỳnh (vợ anh Lường Tú Long) luôn nghĩ, chồng mình làm thợ điện sẽ an nhàn, làm hành chính, nghỉ thứ 7, chủ nhật và có nhiều thời gian cùng vợ chăm sóc cho gia đình, con cái.
Nhưng đến nay, sau hơn 10 năm sống chung mái nhà và có đến 2 mặt con, chị Quỳnh lại càng thấm và thương hơn nỗi vất vả của chồng.
“Mùa nắng nóng, anh em đi trực ngày, trực đêm để đảm bảo điện cho dân. Công viêc của người công nhân điện là phục vụ người dân, lúc nào anh cũng sẵn sàng, kể cả 2-3h sáng Có những lần anh ý đi sửa điện cho người dân cùng anh em, bị thủng săm xe nửa đêm, phải dắt bộ hàng cây số, đến hơn 1h mới về. Mình nghĩ vừa tức vừa thương. Nhiều lúc tủi, cũng muốn khuyên anh chuyển nghề cho đỡ vất vả, hiểm nguy, nhưng là vợ còn không thông cảm được, hỗ trợ được thì làm sao các anh ý bám nghề được”, chị Quỳnh chia sẻ.
Đêm ngủ mái nhà
Để ứng trực mùa nóng, điện lực Tĩnh Gia cũng như nhiều đơn vị khác đều phân công ca trực, thường xuyên kiểm tra đường dây, trạm biến áp để tránh mọi tình huống xấu gây mất điện cho người dân.
Ông Hà Văn Nam, Phó giám đốc Công ty Điện lực Tĩnh Gia cho hay, về ca đêm, anh em luôn sẵn sàng 50% quân số trực để đảm bảo người xử lý sự cố kịp thời nhất.
Ngồi bên ấm trà sau ngày làm việc, anh Lường Tú Long nhớ lại: Tôi nhớ nhất là thời điểm cháy cáp điện lúc gần 12h đêm của mùa Hè năm 2016. Lần đó, trạm điện bị chập cháy cung cấp điện cho nhiều khách hàng. Đường chạy của dây cáp điện đi trên các mái nhà của người dân. Để có thể làm nhanh nhất, chúng tôi phải huy động toàn bộ nhân lực ca trực đêm cùng các đội khác hỗ trợ lên đến gần 20 người.
Trời nóng. không khí oi bức. Anh em phải làm việc và xử lý xuyên đêm, từ 1 giờ tới hơn 5 giờ sáng. Có những anh em do đã làm cả ngày, lại được gọi tăng cường thêm ca đêm, nên trong lúc chờ đợi vật tư đưa đến, rải dây trên cột, đã chợp mắt trên mái nhà.
Anh Long kể thêm, hôm đó rất nóng, người dân cũng không ngủ, nhiều nhà dân cũng hỗ trợ chúng tôi nước, soi đèn, trò chuyện. Thực sự đó là những kỷ niệm bản thân cảm thấy rất vui và có động lực để tiếp tục làm việc. Không có những tiếng bức xúc, chửi bới vì mất điện mà người dân đã hiểu và chia sẻ vất vả cùng.
Từ nhiều năm nay, ngành điện đã có sự đầu tư vào công nghệ, nâng cấp thiết bị để đảm bảo điện ổn định, an toàn cho người dân. Cắt điện đột xuất, mất điện đã không còn. Nhưng điều dễ thấy nhất chính là sự đổi mới trong cung cách phục vụ và hỗ trợ khách hàng.
Nhờ những vất vả không quản ngại, ngày cũng như đêm sửa chữa, khắc phục sự cố, những công nhân ngành điện đã gần người dân hơn, phần nào giúp cho người dân hiểu hơn về tính chất công việc của mình, của ngành. Họ làm việc như những sứ giả ngành điện với tinh thần phục vụ và hi sinh...