'Bảy nổi ba chìm' tháng ba với bánh trôi Tết Hàn thực

Mẹ - không có nhiều thời gian, mà con - lại quá háo hức sau khi học bài thơ "Bánh trôi nước" của nữ sĩ họ Hồ - cứ muốn biết cái bánh trôi "vừa trắng lại vừa tròn, bảy nổi ba chìm với nước non" nó tròn méo ra sao.

Thế là, sau rất nhiều ngày khất con, hôm ấy, tiện chợ Hàng Bè, mẹ phát hiện có mấy cô bán bún kiêm luôn bán bột bánh trôi. Cuối tuần nào cũng bán ké thế.


Bị cái màu bột trắng đến ánh loá cả mắt dưới lớp vải xô đậy hờ ấy mê hoặc; bị cái cảm giác sung sướng ngắm con khám phá bánh trôi làm chết loạn tim; mẹ - dừng xe, làm nửa cân bột, gói đường phên đã cắt hạt lựu sẵn, lại cả túi vừng trắng đã rang sẵn đóng túi nilon sạch tinh tươm.


Mẹ, quyết định "khai hoá văn minh" cho con gái tuổi15 ngộc nghệch...


Con gái òa lên sung sướng khi được cùng mẹ lần đầu tiên nặn bánh trôi. Mà, cũng phải dạy mãi, mới thành hình được. Ban đầu, nào bột bị mân mê nhiều quá khô bở lả tả trong tay, nào đường bị cho vào lệch quá, hở lòi cả cái màu nâu ra khỏi bánh.


Rồi cũng xong, những viên bột nhỏ xinh véo ra cho vừa, tự vê tròn lại để bột dính mượt vào nhau, sau đó mới lại làm dẹp miếng bột ra, nhấn nhá viên đường vuông vuông nâu nâu vào giữa. Lại công đoạn vê tròn. Cũng khó đó nhé, không dễ như nhìn những viên bánh trôi tròn trặn, đều tăm tắp ngoài quán, ăn sướng tê cả răng kia.


Những viên bột nặn xong, mẹ bắc nồi nước. Xúm xít cả mẹ lẫn con đứng chờ nước sôi. Đầu tiên là mắt cá, rồi đến mắt cua, rồi cũng sôi bồng lên. Đó là lúc thả từng viên bánh trôi đã nặn, tròn có, méo có, to vật vã có, bé tí teo có (kệ, nhà không trọng hình thức). Đậy vung, chờ sôi.

Bánh trôi, của tuổi 15 ngộc nghệch.

Cũng phải chờ có cách của nó, thỉnh thoảng hé vung nhìn, không sôi quá “bồng lên”, tràn ra ngoài là lại mất công lau lau, dọn dọn, mà bánh cũng mất ngon.


Cũng phải canh có cách của nó, bởi muốn thấy cái cảnh “bảy nổi ba chìm” mà bà Hồ Xuân Hương vô cùng tinh tế đã mô tả. Những viên bánh trôi chuyển từ màu trắng bạc sang dần màu trắng trong, bập bồng, bập bồng, rồi nổi dần, nổi dần, ngoi lên mấp mé mặt nước. Đó là lúc bánh trôi đã xong đủ kiếp “bảy nổi ba chìm” của mình. Có thể vớt ra rồi.


Đã sẵn bát nước đun sôi để nguội bên cạnh, mẹ cẩn thận vớt bánh ra, thả vào. Bánh chả đẹp long lanh đều chằn chặn như ngoài hàng, nhưng cái màu bột trong ngà như màu ngọc trai, ôi sao nhìn mê mắt thế, nên dù to nhỏ vẫn đẹp như ai, vẫn khiến ta phải nuốt nước miếng.


Rồi, giờ công đoạn vớt ra khỏi bát nước lạnh, chờ cho ráo nước, xếp vào đĩa, tròn vành vạnh một đĩa chục viên là hết, đĩa to quá ai ăn nổi. Mở gói vừng rang, rắc lên trên, cũng lấm tấm như ai.


Xong rồi đó, cái thân phận bánh trôi.


Ba đĩa đẹp nhất đặt lên bàn thờ, thắp nén nhang cảm giác nhà ấm áp.


Còn mẹ con mình, lấy dĩa ra ăn luôn đĩa bánh nóng, vẫn đang bốc khói, dù biết bánh trôi phải nguội mới ngon. Nhưng mà, ai chờ được, cái cảm giác hưởng thành quả lao động từ chính đôi bàn tay bê bết bột của con, của mẹ; từ cái công toát mồ hôi nặn, toát mồ hôi luộc…. Cảm giác sướng nào bằng.


Bánh trôi tháng ba, có cái niềm hạnh phúc là thế; ngoài cái ý nghĩa tâm linh về Tết Hàn thực, Tết bánh trôi bánh chay.


Nhất là khi, cô con gái ngộc nghệch, vừa ăn lại còn vừa ấm ứ ngâm nga:


"Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son".


T.Anh/ Báo Tin Tức
Cách làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc ngon tuyệt cho Tết Hàn thực
Cách làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc ngon tuyệt cho Tết Hàn thực

Vài năm trở lại lại đây, bên cạnh cách làm truyền thống, nhiều chị em còn sáng tạo làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc với nhiều hương vị mới để dâng lên tổ tiến trong ngày Tết Hàn thực (3/3 âm lịch).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN