Người dân đốn cây tầm vông.
Những cây tầm vông sau khi đốn được người dân kéo ra ngoài.
Theo người dân, nghề uốn tầm vông ở vùng Bảy Núi có hơn 20 năm nay. Cây tầm vông thuộc họ tre nhưng thân cây nhỏ hơn, đặc ruột thường được dùng để làm nhà cấp 4 ở miền Tây Nam bộ. Sau khi thu hoạch, tầm vông sẽ được đưa vào lò để uốn thẳng. Công việc uốn tầm vông được thực hiện theo cặp, cứ một người uốn gốc, người còn lại sẽ uốn ngọn. Mỗi lượt sẽ uốn khoảng 10 cây tầm vông, tùy vào kích thước, độ dài của cây.
Cây tầm vông được trồng tập trung ở các xã như Lương Phi, Ô Lâm, Cô Tô và thị trấn Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn. Một cây tầm vông phải mất từ 5 - 7 năm mới cho thu hoạch.
Để thu hoạch, cây tầm vông phải đạt độ dài từ 6 - 9m.
Mùa thu hoạch cây tầm vông ở vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn, An Giang) bắt đầu từ tháng Giêng, kéo dài cho đến tháng 6 Âm lịch.
Những người chặt thuê tầm vông kiếm được từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Theo anh Chao Khương (37 tuổi, xã Lương Phi), hiện cây tầm vông đang vào mùa thu hoạch, bình quân một ngày anh đốn khoảng 800 cây. Cũng theo anh Chao Khương, trên địa bàn xã Lương Phí có khoảng 30 lò uốn tầm vông, những cây tầm vông sau khi được uốn thẳng thì thương lái sẽ đến mua chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh ven biển.
Cây tầm vông sau khi đốn được đem đi uốn thẳng, khi bán ra thị trường sẽ có giá cao.
Để uốn được phần gốc, thợ uốn sẽ có thêm cây móc đè cây xuống đợi đủ lửa là uốn cho thẳng.
Theo người dân cho biết, tầm vông phải uốn đoạn gốc trước rồi mới chuyển sang uốn phần ngọn.
Mỗi lượt sẽ uốn khoảng 10 cây, tùy vào kích thước, độ dài của cây.
Anh Huỳnh Văn Tâm, có kinh nghiệm gần 20 năm uốn tầm vông, chia sẻ: "Nghề này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, giỏi canh lửa, canh chiều gió để điều chỉnh. Tùy vào lửa lớn hay nhỏ, nhiệt độ nhiều hay ít mà thời gian uốn sẽ nhanh hay chậm. Trung bình mỗi cây uốn mất 3-5 phút".
Công việc uốn tầm vông được thực hiện theo cặp, cứ một người uốn gốc, người còn lại sẽ uốn ngọn. Bình quân một ngày thợ có tay nghề sẽ uốn được từ 300-400 cây tầm vông. Tuy nghề uốn tầm vông lắm vất vả, nhưng bù lại đã giúp hàng trăm hộ dân có cuộc sống ổn định.