Chôl Chnăm Thmây là một trong những lễ lớn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ. Lễ hội có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan, hay Tết Thingyan của Myanmar.
Vào dịp năm mới, người Khmer chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp, sạch sẽ nhất, trẻ em được may sắm những bộ quần áo mới. Nhà cửa được sửa sang, quét dọn, trang trí lại. Đồ ăn, thức uống được chuẩn bị đầy đủ cho những ngày Tết.
Tết Chôl Chnăm Thmây kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, tên gọi mỗi ngày Tết khác nhau.
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu với đồng bào, du khách trong và ngoài nước về nét đẹp lễ hội truyền thống, không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc Khmer Nam Bộ.
Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức vào đầu xuân để đồng bào Khmer bày tỏ lòng biết ơn đến với thần linh, đất trời, tổ tiên đã phù hộ họ trong thời gian vừa qua cũng như là khởi đầu cho năm đầy những điều tốt.
Trước khi vào Bun Chôl Chnăm Thmây, trong chùa cũng như trong nhà đều trang hoàng sạch sẽ để đón năm mới.
Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnăm Thmây (ngày vào năm mới) (lễ rước “Mâh Sangkran mới”). Lễ này có thể tổ chức sớm hay muộn trong ngày, miễn là chọn đúng giờ tốt.
Đại lịch được đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên kiệu khiêng đi vòng quanh chính điện 3 vòng trang trọng thể hiện sự cung kính với đức Phật, vừa là lễ chào mừng năm mới vừa chờ điềm báo năm mới tốt hay xấu, rồi mới vào chính điện làm lễ.
Dưới sự điều hành của ông Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện 3 vòng để làm lễ chào mừng năm mới.
Vị sư cả tiếp nhận quyển Đại lịch đặt lên bệ thờ, tụng kinh đón vị thần cai quản năm mới và tụng kinh cầu an.
Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch: Theo phong tục truyền thống mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi.
Sau đó buổi chiều, tiến hành lễ đắp núi cát, gọi là Puôn-phnum-khsach.
Theo sự hướng dẫn của các vị Acha, người ta lấy cát đắp 9 ngọn núi nhỏ gồm 8 ngọn ở 8 hướng và 1 ngọn ở chính giữa. Ngọn chính giữa tượng trưng cho trung tâm trái đất, còn lại tượng trưng cho bốn phương, tám hướng của vũ trụ.
Tục đắp núi cát có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người nên tích phúc để ngày một cao lớn như núi và lan dần khắp bốn phương, tám hướng.
Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk (ngày thêm tuổi), mới là ngày chính cũng là ngày cuối Tết, tương tự như hai ngày đầu, sau khi đã dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đức Phật.
Lễ tắm Phật là nghi thức quan trọng và độc đáo trong dịp Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer ở Nam Bộ.
Lễ tắm Phật thể hiện đức tin của người Khmer về Phật pháp, đồng thời cầu mong sự bình an đến bản thân và gia đình trong năm mới.