Niềm vui đón Tết
Đang tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây, ông Sơn Kích (ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ) chia sẻ: Là người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, tôi thường xuyên vận động gia đình, cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; vận động bà con thay đổi các tập tục lạc hậu; phòng, chống tệ nạn xã hội góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.
Tại chùa Ratana Paphia Vararam (chùa Chín Ngàn), xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, trong những ngày này, bà con đồng bào Khmer ở xã Vị Bình và xã Vĩnh Trung đang chuẩn bị thực hiện các nghi thức truyền thống với không khí nhộn nhịp, vui tươi.
Nét mặt phấn khởi, ông Thạch Bích ( ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) chia sẻ: “Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, đồng bào Khmer tại địa phương có vụ mùa bội thu, vừa trúng mùa, vừa được giá, chuẩn bị cái Tết tươm tất hơn. Niềm vui càng nhân lên khi chùa Chín Ngàn vừa khánh thành chánh điện mới, bà con có nơi để tập trung sinh hoạt văn hóa nên rất phấn khởi”.
Ngôi chùa trong văn hóa Khmer không chỉ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa, phong tục, chữ viết mà còn là nơi gởi gắm tâm tư, nguyện vọng của người Khmer. Vì vậy, chánh điện và các hạng mục trong khuôn viên chùa khang trang cũng thể hiện từng phum, sóc, địa phương có kinh tế ổn định, bà con khá giả.
Theo Ban Quản trị chùa Ratana Paphia Vararam, năm nay, ngoài việc tổ chức các trò chơi dân gian, văn nghệ đón Tết, các vị sư sãi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc để bà con nắm và thực hiện hiệu quả hơn.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế gia đình. Các dịp lễ, Tết Chôl Chnăm Thmây, địa phương đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên bà con và các chùa trên địa bàn để tạo sự gắn kết, tạo động lực để bà con phát triển kinh tế. Hiện nay, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn có mức sống khá tốt, trong 80 hộ đồng bào Khmer tại ấp 4, xã Vị Bình chỉ còn 2 hộ nghèo. Địa phương đang tạo mọi điều kiện để giúp bà con thoát nghèo trong thời gian tới.
Bên cạnh phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc Khmer thường xuyên nắm bắt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phát triển bền vùng đồng bào Khmer
Theo Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, địa bàn tỉnh hiện có 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Ban Dân tộc tỉnh, các thành viên trong Ban Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh thường xuyên phối hợp với các sư trụ trì cùng Ban Quản trị các chùa tuyên truyền, giáo dục bà con đồng bào Khmer chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có lối sống lành mạnh, tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, sống tốt đời, đẹp đạo, giữ gìn bản sắc dân tộc. Vào những ngày lễ, Tết, bà con tập trung về các chùa theo nghi thức cổ truyền của dân tộc Khmer, đảm bảo tổ chức trang nghiêm, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tâm linh, một số chùa trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm lo cho các vị sư sãi bồi dưỡng tiếng Khmer; hỗ trợ các vị sư sãi học bổ túc văn hóa, trung cấp, đại học tại trường trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao kiến thức. Qua đó, các vị sư sãi có thể phổ biến rộng rãi cho bà con dân tộc nắm rõ đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đẩy lùi tệ nạn xã hội góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, các cấp, ngành đã nỗ lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe, phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo cho đồng bào Khmer. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chương trình, chế độ chính sách của Trung ương góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc trong tỉnh.
Thời gian tới, theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của đồng dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 2-3%. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tỉnh phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.