Tăng tốc giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu

Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua huyện Long Thành, Đồng Nai dài 18 km, hiện đã được địa phương giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 87% diện tích cần thu hồi. Tuy nhiên, phần mặt bằng trên tuyến dự án chưa được bàn giao và khó khăn về nguồn đất đắp nền đường đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.

Những ngày đầu tháng 12/2024, phóng viên báo Tin tức có mặt tại công trường thi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn I ghi nhận không khí thi công khẩn trương của chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 85 – BQLDA 85 - Bộ Giao thông Vận tải), các nhà thầu, công nhân, người lao động để đảm bảo tiến độ dự án theo hướng có mặt bằng sạch đến đâu thi công các hạng mục cuốn chiếu đến đó.

Ghi nhận tại công trường, khó khăn nhất hiện nay của dự án là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn trong tình trạng “xôi đỗ”, nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông, nhà dân chưa được di dời 100%, cộng với việc thiếu nguồn đất đắp, khiến nhiều máy móc thiết bị chuyên dụng của các đơn vị thi công vẫn “đắp chiếu” chờ việc...

Video phóng viên ghi nhận tại công trường dự án:

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc điều hành dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cho biết, dự án có 2 gói thầu xây lắp 9-XL và 10-XL, khởi công từ tháng 6/2023. Trên công trường dự án đang huy động 51 mũi thi công, gần 500 kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân lái máy, người lao động và gần 200 đầu máy móc thiết bị... trải dài trên toàn tuyến dự án thi công. Đến đầu tháng 12/2024, dự án đã đạt được hơn 20% khối lượng xây lắp; hoàn thành khoảng 75% các hạng mục cọc khoan nhồi, thân mố trụ, dầm đúc thi công cầu, cống thoát nước, hầm chui…

Theo phản ánh của các nhà thầu, công tác bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trên tuyến của địa phương chậm so với tiến độ yêu cầu và thiếu nguồn vật liệu đất đắp, trong khi các vị trí mỏ đất dự kiến khai thác theo cơ chế đặc thù chưa đảm bảo nhu cầu (hiện còn thiếu hơn 4 triệu m3) đang là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thi công. BQLDA 85 đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm thống nhất phương án GPMB, cấp phép khai thác mỏ đất, để các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh đó, BQLDA 85 cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo các huyện có dự án đi qua ưu tiên di dời các vị trí hạ tầng điện, viễn thông trên tuyến để nhà thầu có đủ điều kiện mặt bằng thi công nền đường, cầu vượt ngang ngay trong tháng 12/2024, tạo điều kiện để dự án thi công xuyên Tết, cuốn chiếu các hạng mục xây lắp theo mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT đề ra.

Chú thích ảnh
Dự án trục ngang Đông Nam Bộ, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang gặp khó khăn do vướng giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu đất đắp. 
Chú thích ảnh
Việc xây dựng hoàn thiện các khu tái định cư có vai trò quan trọng, nhưng đang triển khai chậm tại dự án.
Chú thích ảnh
Nhiều hộ dân đã nhận bồi thường, nhưng lấy lý do chưa được bố trí tái định cư, nên người dân chưa đồng ý di dời.
Chú thích ảnh
Hai khu tái định cư ở TP Biên Hòa vẫn chưa khởi công. 
Chú thích ảnh
Do vướng mặt bằng, công nhân chờ việc, còn các thiết bị máy móc nằm "đắp chiếu".
Chú thích ảnh
Nếu không sớm giải quyết các vướng mắc, dự án có nguy cơ khó cán đích đúng tiến độ Quốc hội, Chính phủ giao.

Qua tìm hiểu, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài gần 54 km, khởi công từ tháng 6/2023, gồm 3 dự án thành phần, với tổng vốn đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 1 dài 16 km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; dự án thành phần 2 dài 18,2 km do Bộ GTVT quản lý (BQLDA 85 là đại diện chủ đầu tư); dự án thành phần 3 dài 19,5 km do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư.

Trong khi dự án thành phần 3 cao tốc đang đảm bảo tiến độ nhờ địa phương đã bàn giao bằng sạch đạt 100%, 2 dự án thành phần còn lại đi qua tỉnh Đồng Nai do vướng mặt bằng và thiếu vật liệu đang chậm tiến độ. Đây là những thách thức lớn cần sớm được tháo gỡ để đảm bảo mục tiêu chung.

Dự án thành phần 3 bắt đầu từ Km34+200, nối với dự án thành phần 2 qua Đồng Nai và kết thúc tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56, tuyến tránh TP Bà Rịa, do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 703 đảm nhận thi công hiện đã đạt được hơn 42% khối lượng xây lắp và đang thảm những mét bê tông nhựa đầu tiên trên tuyến. Liên danh nhà thầu dự án thành phần 3 cam kết đảm bảo tiến độ thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4/2025 và hoàn thiện, nghiệm thu, khai thác vào tháng 9/2025.

Chú thích ảnh
Việc máy móc chờ mặt bằng gây lãng phí lớn cho các nhà thầu thi công.
Chú thích ảnh
Cảnh hoang tàn tại trụ sở nhà thầu thi công trên tuyến.

Theo rà soát của Bộ GTVT, trong khu vực thi công dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang có các dự án lớn khác đang đồng loạt triển khai như: Sân bay Quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh... nên ở giai đoạn này, nguồn vật liệu cung cấp cho cao tốc khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công.

Sau khi hoàn thiện, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu không chỉ đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh Đông Nam Bộ, mà còn góp phần giảm tải áp lực giao thông trên Quốc lộ 51, tăng kết nối vùng và thúc đẩy phát triển cảng biển, du lịch và công nghiệp của khu vực. Giai đoạn I, dự án được đầu tư theo quy mô đường cao tốc, thiết kế từ 4 - 6 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/giờ.

Chú thích ảnh
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 34 km. 
Chú thích ảnh
Tận dụng mùa khô thuận lợi, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công.
Chú thích ảnh
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án thành phần 2, mặt bằng tỉnh Đồng Nai đã bàn giao khoảng 85% diện tích.
Chú thích ảnh
Tuy nhiên, phần có thể thi công được hiện chỉ được 68%.
Chú thích ảnh
Trong đó phần diện tích đất giao thông sông suối, cầu đường, cầu vượt ngang trên tuyến cao tốc đã được bàn giao, nhưng chưa thi công được do vướng hạ tầng kỹ thuật chưa di dời.
Chú thích ảnh
Khó khăn nữa cản trở tiến độ thi công là nguồn đất đắp nền cao tốc hiện khan hiếm.
Chú thích ảnh
Cả tuyến thành phần 2 cần khoảng 3 triệu m3 và thành phần 1 cần khoảng 2 triệu m3 đất đắp.
Chú thích ảnh
Hiện chỉ có nguồn đất từ các mỏ thương mại, nhưng trữ lượng không nhiều.
Chú thích ảnh
Dự kiến, cáo tốc qua tỉnh Đồng Nai còn thiếu hơn 4 triệu m3 đất đắp, trong khi đó các khu vực khai thác theo cơ chế đặc thù đang vướng thủ tục phê duyệt.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án, thời gian chạy xe từ TP Hồ Chí Minh đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn chỉ còn khoảng 1,5 giờ thay vì hơn 2,5 giờ như hiện nay; đồng thời, trục cao tốc này sẽ phát huy tối đa tiềm năng của Cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sân bay Quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông Nam Bộ.

Bài, ảnh, video: Tiến Hiếu - Trung Nguyên/Báo Tin tức
Phát động cao điểm thi công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu
Phát động cao điểm thi công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành kế hoạch 263-KH/UBND về phát động đợt thi đua cao điểm hoàn thành dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giai đoạn I.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN