Những trải nghiệm đáng nhớ của các chiến sĩ quân y tại vùng 'đất thép' Củ Chi

Sau thời gian dài tham gia hỗ trợ tích cực cho các Trạm y tế lưu động tại 312 phường, xã của TP Hồ Chí Minh, các chiến sĩ quân y đến từ các tỉnh, thành phía Bắc đã được trải nghiệm tour du lịch đáng nhớ tại vùng "đất thép" Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ quân y lần đầu được trải nghiệm, tham quan khung cảnh yên bình, thoáng mát tại Củ Chi sau hơn 1 tháng tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. 

Ngày 29/9, UBND huyện Củ Chi phối hợp với Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tổ chức tour du lịch về nguồn mang tên “Hành trình xanh về vùng Đất thép” cho gần 100 du khách là các chiến sĩ quân y đang tham gia công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Đây là tour du lịch đầu tiên dành cho lực lượng quân y đang tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Sắp tới, dự kiến sẽ có 8 tour tương tự dành riêng cho các chiến sĩ quân y với số lượng khoảng 1.000 người, quy mô mỗi tour khoảng 100 người.

Được biết, các bộ, chiến sĩ quân y ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lên đường tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch từ ngày 23/8 đến nay. Khi đến TP Hồ Chí Minh, các chiến sĩ quân y được phân về 414 Trạm y tế lưu động tại 23 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với công việc chính là thăm khám, chữa  bệnh cho các F0 cách ly tại nhà. Sau hơn 1 tháng hỗ trợ tích cực cho công tác chống dịch, các chiến sĩ, bác sĩ quân y được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tri ân bằng chuyến du lịch về huyện Củ Chi.

Khi đến tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, các cán bộ, bác sĩ quân y đã đến viếng, dâng hương, dâng hoa cho các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và Đền tưởng niệm Khu truyền thống Cách mạng Sài Gòn - Chợ lớn - Gia Định. Đoàn cũng đã đến tham quan khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi, chợ dã chiến để trải nghiệm không gian mua sắm hàng hóa ngày xưa của người dân Củ Chi...

Hệ thống địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách TP Hồ Chí Minh 55 km về hướng Tây Bắc. Hệ thống này được quân kháng chiến Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ quân y đi thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. 

Trung tá Trần Phúc Tiến, khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức Bệnh viện Quân y 5 (Quân khu 3) cho biết, thời gian đầu vào TP Hồ Chí Minh anh khá lo lắng vì lượng bệnh nhân quá nhiều. Tuy nhiên, nhờ có các cán bộ địa bàn hướng dẫn nên các bác sĩ quân y đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc khám, chữa bệnh cho các F0 nhịp nhàng hơn.

Theo anh Trần Phúc Tiến, ấn tượng lớn nhất của anh khi công tác tại TP Hồ Chí Minh là người dân thành phố thân thiện, sống tình cảm, luôn yêu quý lực lượng quân y và đặc biệt rất tuân thủ các phương pháp chữa bệnh mà các bác sĩ đưa ra, nhờ vậy mà số lượng bệnh nhân cũng giảm nhanh chóng. Sau hơn 1 tháng công tác tại địa bàn, đến nay, số lượng bệnh nhân từ hàng trăm người đã giảm chỉ còn vài chục người khiến anh Tiến và đồng đội rất vui. Chính vì lượng bệnh nhân giảm nên anh Tiến mới có động lực, thời gian để tranh thủ tham gia chuyến du lịch đặc biệt về vùng đất Củ Chi. 

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ quân y khá thích thú khi lần đầu tiên được đến vùng "đất thép thành đồng" Củ Chi trong một chương trình tour đặc biệt.  

"Đây là lần đầu tiên tôi được về tham quan vùng đất địa đạo. Trước đó, tôi cũng đã nghe nhiều về vùng "đất thép thành đồng" trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, tuy nhiên khi chứng kiến và tìm hiểu các thông tin về vùng đất này càng khiến tôi thấy khâm phục ý chí chiến đấu quật cường của cha ông ta năm xưa. Điều này cũng có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với những người là quân nhân, cán bộ chiến sĩ quân y như chúng tôi. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ tiếp tục quay trở lại với công việc điều trị và chữa bệnh cho các F0 tại địa phương như những ngày qua, nhưng chúng tôi đã có một tâm thế và nguồn năng lượng mới", Trung tá Trần Phúc Tiến nói. 

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Trọng Thắng tranh thủ chụp ảnh những bông hoa lan đặc trưng của vùng đất thép trong khu du lịch.

Anh Nguyễn Trọng Thắng, y sĩ công tác tại Bệnh viện Quân y 5, Quân khu 3 cho biết: "Chúng tôi rất xúc động khi đón nhận món quà bất ngờ từ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là được tham gia tour du lịch về vùng đất thép Củ Chi với nhiều hoạt động và trải nghiệm đáng nhớ. Sau này khi trở về miền Bắc, chúng tôi cũng có nhiều kỷ niệm hay để kể cho đồng đội, người thân nghe về con người, vùng đất anh hùng này bên cạnh các thông tin về công tác chống dịch và việc tham gia chữa bệnh cho F0 tại cơ sở... Ngoài ra, chúng tôi cũng tin rằng, với nỗ lực của toàn xã hội, TP Hồ Chí Minh sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới để ai ai cũng có thể trở về với gia đình mình sau một thời gian dài tham gia chống dịch cam go, gian khổ như vừa qua". 

Là đơn vị tổ chức, tài trợ cho chương trình tour du lịch đặc biệt để cảm ơn các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, tất cả chương trình tour du lịch đều tuân thủ các tiêu chuẩn được quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đã được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành. Các khách mời tham gia chương trình và nhân viên tham gia phục vụ tại tất cả các khâu đều đảm bảo đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trước khi tham gia hành trình hoặc phục vụ trực tiếp cho du khách.

"An toàn là tiêu chí cao nhất quyết định quy mô và cách thức tổ chức các chuyến đi nhằm bảo vệ thành quả phòng, chống dịch đã đạt được của các địa phương trong thời gian qua. Hiện nay, Quận 7, huyện Cần Giờ và Củ Chi đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, được đánh giá là ở trạng thái bình thường mới. Trong đó, huyện Củ Chi với những cách làm sáng tạo, kiên quyết, đã trở thành một trong những đơn vị đầu tiên kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững “vùng xanh” trên quê hương “đất thép thành đồng”, góp phần tạo “vành đai xanh” cho TP Hồ Chí Minh", đại diện Saigontourist Group cho biết.

Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh đặc sắc trong chương trình về nguồn của các chiến sĩ quân y tại Củ Chi:

Chú thích ảnh
Các đại biểu và lực lượng quân y thực hiện lễ dâng hương tại đền Bến Dược (huyện Củ Chi) trong ngày 29/9.
Chú thích ảnh
Sau khi dâng hương, các chiến sĩ quân y được tặng mũ và khăn rằn để chuẩn bị tham gia tìm hiểu về lịch sử chiến đấu hào hùng của quân và dân Củ Chi. 
Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Văn Trung (giữa), học viên Học viện Quân y cho biết: "Khi tham quan các hầm địa đạo và nghe các hướng dẫn viên giới thiệu về những trận đánh lớn của quân và dân Củ Chi khiến tôi có cảm giác như mình đang được sống lại nhưng năm tháng hào hùng chống giặc cứu nước của cha ông ta. Đặc biệt, tôi còn ấn tượng với hệ hống đường hầm nằm sâu dưới lòng đất hàng chục mét nhưng lại đan xen nhau với như một thành phố, một mê cung khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Hệ thống đường hầm này cũng đã chịu được hàng chục tấn bom các loại của kẻ thù".
Chú thích ảnh
Sau khi dâng hương tưởng niệm tại đền Bến Dược, các chiến sĩ quân y được hướng dẫn viên giới thiệu và dẫn đi tham quan về Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Chú thích ảnh
Các chiến sĩ quân nghe giới thiệu về hệ thống hầm chông và các hố bẫy nguy hiểm khác tại vùng căn cứ Củ Chi. 
Chú thích ảnh
Cán bộ chiến sĩ quân y xem phim 3D tái hiện lại các trận đánh của quân và dân Củ Chi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đó, Củ Chi cũng chịu nhiều tổn thất với 10.101 dân thường bị chết, trên 10.000 chiến sỹ, thanh niên đã hy sinh, 28.421 nhà bị cháy, 20.000 ha ruộng, rẫy và rừng bị tàn phá…
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Trên đường đi tham quan hệ thống địa đạo Củ Chi, các chiến sĩ tranh thủ chụp ảnh với các mô hình mô phỏng người dân Củ Chi năm xưa. 
Chú thích ảnh
Người dân Củ Chi được mọi người biết đến với nghề làm bánh tráng truyền thống. 
Chú thích ảnh
Nhiều chiến sĩ thích thủ trải nghiệm công việc xay lúa, giã gạo. 
Chú thích ảnh
Trên đường tham quan, các chiến sĩ quân y còn được tìm hiểu về nghề mây tre đan của người dân nơi đây. 
Chú thích ảnh
Tham quan và tìm hiểu về cuộc sống của người dân ngoại thành với nghề bắt cá, làm ruộng. 
Chú thích ảnh
Những con cá nhỏ luôn thu hút sự chú ý, tò mò của nhiều chiến sĩ quân y. 
Chú thích ảnh
Các chiến sĩ quân y còn được trải nghiệm khi chui vào các đường hầm dưới lòng đất. 
Chú thích ảnh
Tìm hiểu khá chi tiết về cuộc sống sinh hoạt và hoạt động cách mạng của quân giải phóng trong vùng căn cứ địa đạo Củ Chi. 
Chú thích ảnh
Tại khu vực chợ dã chiến, lực lượng quân y được tìm hiểu thêm về sinh hoạt của chợ quê năm xưa. 
Chú thích ảnh
Thưởng thức rất nhiều các món ăn vặt của người miền Nam như: gỏi cuốn, bánh ú, bánh xèo, chè bột lọc, dừa nước...
Chú thích ảnh
Tuy nhiên, món bánh xèo lại thu hút sự quan tâm của các chiến sĩ quân y nhiều hơn. 
Chú thích ảnh
Sau khi tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, anh Phạm Văn Trường, giảng viên khoa Điều dưỡng Trường Cao đẳng Hậu Cần 1, Tổng Cục Hậu cần đã quyết định mua một cuốn sách giới thiệu về địa đạo Củ Chi để làm quà tặng cho con khi anh về Hà Nội. Anh Trường cho biết, các con anh rất thích đọc sách và anh cũng muốn hướng các con tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, cụ thể là tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của người dân Củ Chi. Nơi mà lần đầu tiên anh được đặt chân đến trong một chuyến công tác đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh.
Chú thích ảnh
Trong chuyến tham quan về nguồn này, các chiến sĩ quân y còn được ban tổ chức tặng những món quà nhỏ như lời cảm ơn với những công sức mà các chiến sĩ đã đóng góp cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh của TP Hồ Chí Minh.
Chú thích ảnh
Những "bóng hồng" hiếm hoi trong số 100 chiến sĩ quân y được đi tham quan, trải nghiệm tại huyện Củ Chi.
Chú thích ảnh
Các "bóng hồng" tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh với nhiều công việc như: Chăm sóc các F0 tại nhà, tham gia hỗ trợ truy vết xét nghiệm, tiêm vaccine cho người dân...
Chú thích ảnh
Mặc dù xa nhà hàng tháng và chưa biết ngày về nhưng đội ngũ quân y chi viện cho TP Hồ Chí Minh cảm thấy rất vui và phấn khởi vì được chính quyền và người dân thành phố quan tâm. 

 

Chùm ảnh, clip: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Trao tặng 500 túi quà cho các gia đình khó khăn ở huyện Củ Chi
TP Hồ Chí Minh: Trao tặng 500 túi quà cho các gia đình khó khăn ở huyện Củ Chi

Ngày 18/9, Trung đoàn Gia Định (Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) cùng với các nhà hảo tâm đã đến thăm và trao tặng quà cho những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 tại xã Trung An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN