'Nghe tin bão mà... run'

Lại một siêu bão nữa rình rập ngoài Biển Đông, đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người dân vùng ven biển miền Trung. "Nghe tin bão mà... run" - không ít người đã tâm sự như vậy bởi cứ bão đến là cuộc sống như bị đảo lộn. Nhà nhà tất bật lo chằng chống nhà cửa, công việc bị đình trệ, các bà các mẹ lại tất tả đi chợ mua thực phẩm dự trữ... Bão chưa vào nhưng đã làm xáo trộn cuộc sống của bao người.

Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến chỉ đạo BĐBP Đà Nẵng neo đậu tàu thuyền giúp bà con tại Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Bá Vĩnh


Sẽ sơ tán gần 20 nghìn hộ dân


Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó ban Chỉ huy PCLB&TKCN Đà Nẵng, trước diễn biến nguy hiểm của bão số 14, TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch sơ tán 19.338 hộ với 73.338 người dân. Công tác sơ tán, di dời sẽ được hoàn thành trước 19 giờ hôm nay (9/11). Những người dân được sơ tán chủ yếu ở quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

Hiện các địa phương ven biển khu vực miền Trung đang triển khai rất khẩn trương công tác di dời dân. Dự kiến đến 17 giờ chiều nay (9/11), toàn khu vực sẽ có hàng trăm nghìn người được di chuyển đến nơi an toàn. Riêng TP Đà Nẵng sẽ có khoảng 20 nghìn hộ với trên 70 nghìn nhân khẩu sẽ di chuyển.

Theo tin từ Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến sáng ngày 9/11, khu vực miền Trung đã có 1 người chết, 5 người mất tích, 1 người bị thương do lũ.

Về tài sản, đã có 4 ngôi nhà ở tỉnh Quảng Ngãi, 9 nhà ở Khánh Hoà bị đổ sập và bị lũ cuốn trôi; 115 nhà bị ngập năng, 142 nhà bị tốc mái, 1882 ha lúa bị ngập úng, 172 ha hoa màu bị hư hại nặng.

Đến trưa 9-11, có khoảng 1/3 số hộ phải di chuyển đã đến nơi an toàn. Được biết, sau 19 giờ đêm 9/11, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng ở Liên Chiểu sẽ tiến hành cưỡng chế buộc sơ tán đối với những người ở trong các khu nhà không kiên cố không chấp hành chỉ thị chống bão của địa phương.

Vào sáng nay, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh BĐBP do Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Phó Tư lệnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Đà Nẵng. Đồng chí yêu cầu Bộ Chỉ  huy Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng phải đảm bảo quân số thường trực 24/24, sẵn sàng phương tiện, lực lượng  thường trực để ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, tổ chức cán bộ chiến sĩ trực tiếp xuống các địa bàn, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, hướng dẫn và sắp xếp tàu, thuyền neo đậu tránh bão an toàn; đồng thời sẵn sàng các phương tiện và trang bị cần thiết khác để tổ chức cứu kéo, hướng dẫn ngư dân đưa tàu về nơi trú tránh khi có sự cố xảy ra.

Đến 9 giờ sáng nay, Bộ đội Biên phòng thành phố đã thông báo, kêu gọi và hướng dẫn 1.848 phương/7.432 lao động về nơi tránh bão. Hiện còn lại 18 phương tiện/198 lao động đang tránh bão tại các địa phương. Trong đó, khu vực vùng biển Hải Phòng có 7 phương tiện/67 lao động; khu vực ven biển Đà Nẵng có 10 phương tiện/98 lao động; khu vực nam đảo Trường Sa, Khánh Hòa có 1 phương tiện/33 lao động.

BCH Biên phòng Đà Nẵng đã bố trí thường trực 5 tàu, 7 ca nô, 8 xe ô tô sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Hiện nay, các đồn, trạm Biên phòng đều đã cử lực lượng xuống các địa bàn giúp nhân dân neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa và triển khai các phương án đối phó với bão số 14.

Khẩn trương chống bão

Người dân quận Liên Chiểu lo chằng chống nhà cửa


Sáng 9/11, rất đông người dân đã đến các khu vực bãi đất trống, bờ biển để lấy cát chằng mái nhà.


Trong khi đó, sáng nay, công tác chuẩn bị đón bão của người dân Đà Nẵng diễn ra khẩn trương và gấp rút hơn. Tại các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Tất Thành…, hàng trăm người dân mang bao tời xuống biển hoặc đến các khu đất trống và các công trình đang xây dựng để lấy cát về chằng mái nhà. Trên các tuyến đường của thành phố, cây xanh hầu như đã được cột, chống cẩn thận.
Người dân quận Liên Chiểu lo chằng chống nhà cửa

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 11 vừa qua, đợt này nghe bão dữ dội hơn, công tác chuẩn bị đối phó với bão của người dân cũng kỹ càng hơn.

Dọc bờ biển các quận: Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, các thúng máy, ghe thuyền nhỏ đã được ngư dân kéo lên bờ, neo chằng cẩn thận. Thậm chí, những thúng đi biển cũng được buộc bao cát cẩn thận để không bị gió thổi bay như trong đợt bão vừa qua. Ông Lê Tân, ngư dân ở quận Sơn Trà cho biết, ngay từ khi nghe tin có bão và nhận được công điện tất cả ghe thuyền phải vào bờ tránh bão, ông cùng những bạn thuyền của mình đã chấp hành nghiêm chỉnh. “Không dám chủ quan với cơn bão này, còn người còn của, từ hôm qua đến nay, hầu như các thuyền bè đều lo tập trung về đây hết rồi”, ông Tân nói.

Thuyền thúng của ngư dân Sơn Trà được chằng buộc cẩn thận


Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, sau khi nhận tin về siêu bão Haiyan sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, UBND quận đã tiến hành họp khẩn với các địa phương để lên phương án phòng chống. Theo đó, từ hôm qua đến sáng nay, các phường đã liên tục tuyên truyền bằng loa phát thanh và xe lưu động, thông báo cho người dân chống bão, khẩn trương chằng néo lại nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thuốc men…

Có mặt tại tổ 11, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) vào sáng 9/11, hầu hết người dân đều hối hả chằng chống lại nhà cửa. Ông Nguyễn Văn Vinh (tổ 11, phường Hòa Khánh Bắc) cho biết: “Đa số nhà trong khu này là cấp 4, nên cứ nghe có bão lại lo sốt vó. Mặc dù cơn bão số 11 vừa qua, người dân cũng chằng chống nhà cửa rất cẩn thận nhưng khi bão quét qua, vẫn có nhiều nhà ở đây bị tốc mái. Vì vậy, để đối phó với siêu bão này, người dân đã phải mua rất nhiều bao cát, dây thép… để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra”.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên vào sáng sớm 9/11, hầu hết các tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn quận Liên Chiểu đã đến từng nhà dân nhắc nhở khẩn trương chằng chống lại nhà cửa và chuẩn bị sơ tán vào chiều 9/11 để tránh siêu bão sắp đổ bộ vào miền Trung.

Ngư dân Sơn Trà đã đưa thúng lên khu vực đường Hoàng Sa.


Nhiều mặt hàng tăng giá theo tin bão

Sáng nay, các tiệm bán đồ điện, nước gia dụng trên đường Ngô Quyền, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng… chật cứng người và xe. Qua khảo sát của phóng viên, giá cả các mặt hàng này có tăng nhưng không đáng kể. Anh Võ Xuân Tịnh (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), cho biết: “Mấy hôm nay tôi nghe báo, đài nói giá cả vật tư trong mùa bão sẽ được kiểm soát, tuy nhiên bình thường người dân cũng ít mua nên thật sự không biết như thế nào là cao. Như tôi mua cuộn dây nhựa bọc thép này về để cột tôn thì giá 7.000 đồng/mét, tôi thấy giá vậy cũng được”.

Trong khi đó, tại tiệm bán gỗ trên đường Hải Phòng, người dân “kêu ca” giá cả đắt đỏ. Một nhóm các sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng đang mua gỗ về chằng nhà, cho biết: “Từ sáng đến giờ quầy rất đông khách nên tụi em phải chờ, rồi chen lấn để lựa. Một cây 40.000 đồng, "đắt như tôm" chị ạ”.

Người dân tập trung tại các cửa hàng gia dụng mua vật dụng về chằng chống nhà cửa.


Những cây gỗ chằng nhà được bán với giá trung bình 40.000 đồng/cây nhưng vẫn không lúc nào ngơi khách.


Do người dân đổ xô đi mua bao về đựng cát chống bão khiến mặt hàng này cũng bị đẩy giá lên so với ngày thường.


“Ăn theo” tin bão, dọc các tuyến đường lớn, giờ có thêm mặt hàng mới là bao tời đựng cát. Giá cả thì vô chừng, có nơi bán 5.000/bao, nơi khác thì 10.000 đồng/3 bao, cao nhất là tại đường Hải Phòng với giá 6.000 đồng/bao.

Tại các chợ, siêu thị, rất đông người dân vội vã mua thực phẩm dự trữ cho những ngày tới. Không khí tất bật có thể bắt gặp ở nhiều nơi bởi với thông tin cơn bão Haiyan có sức tàn phá rất lớn, người dân không thể chủ quan. Nhiều người dân cũng đã lo đi mua mì tôm, đồ hộp, các loại đồ ăn khô... khiến các mặt hàng này cũng bị đẩy giá lên từ 5-10%.



Theo Báo Đà Nẵng

Tại sao 'quái điểu' Hải Yến lại quá bất thường?
Tại sao 'quái điểu' Hải Yến lại quá bất thường?

Không như mọi năm, mùa bão bình thường năm nay ở phía tây Thái Bình Dương đã tạo ra một con quái điểu thật sự, siêu bão với cái tên quốc tế Haiyan (Hải Yến). Ngày 8/11, con quái điểu Yolanda (theo tiếng địa phương) đã đổ bộ vào đất liền Philippines.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN