Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 14 (Hải Yến), lãnh đạo các tỉnh đã nhanh chóng chuẩn bị các phương án phòng chống bão, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của.
Quảng Nam chủ động phương án di dời dân
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp ứng phó với siêu bão Hải Yến. Trong đó, yêu cầu 6 huyện ven biển như Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành... nắm tình hình các căn nhà cấp 4 có nguy cơ cao về sập đổ khi bão bổ bộ để lên phương án di dời dân đến các nơi an toàn, nghiên cứu khảo sát địa hình để đào hầm tránh bão. Đối với khu vực miền núi phải lên phương án di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao về sạt lở núi, lũ quét. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai công tác chằng chống nhà cửa, thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển theo chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động nắm thông tin ứng phó với bão Hải Yến của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp để kịp thời hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với bão, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do bão gây ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống bão 14. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Tại thành phố Hội An, công tác chuẩn bị ứng phó với bão Hải Yến đã được địa phương khẩn trương triển khai. Tại xã đảo Tân Hiệp việc triển khai chằng chống nhà cửa được chính quyền và nhân dân tích cực thực hiện. Theo kế hoạch đến 15 giờ ngày 9/11, các hộ dân sống dọc bờ biển của xã sẽ được di dời đến nơi an toàn. Máy thông tin liên lạc cũng đã được lắp đặt tại trụ sở UBND xã Tân Hiệp để phục vụ công tác thông tin trong thời gian siêu bão đổ bộ. Phương án di dời dân ở các vùng ven biển như Cửa Đại, Cẩm An, Cẩm Thanh cũng đang được triển khai. Tại huyện Duy Xuyên, hơn 1.690 hộ dân ở hai xã ven biển trọng yếu Duy Nghĩa, Duy Hải đã được lên phương án di dời đến nơi an toàn.
Đại Lộc là địa phương có nguy cơ cao về tình trạng ngập lụt cục bộ, hiện lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ đạo di dân đến nơi an toàn theo phương pháp di dân tập trung đến những nơi có nhà cao tầng nằm trên những điểm cao và di dân xen ghép đến những hộ gia đình có nhà kiên cố.
Tại Tam Kỳ, người dân cũng đang khẩn trương mua bao cát, dây thép và ống thép để chằng chống nhà cửa. Lực lượng Bộ đội biên phòng đồn Tam Thanh triển khai quân giúp người dân chằng chống nhà cửa dọc theo tuyến đường vên biển Tam Thanh. Ông Nguyễn Văn Lúa - Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, đã lên phương án di dời khoảng 6.000 dân của xã Tam Thanh đến nơi an toàn và sẽ hoàn thành trước 17 giờ ngày 9/11. Địa phương cũng đã kiểm tra, giám sát tình hình triển khai ứng phó với siêu bão Hải Yến tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn…
Huyện miền núi cao Tây Giang đang tích cực thống kê số hộ nằm trên vùng có nguy cơ sạt ở, tình hình đảm bảo thông suốt giao thông trước, trong và sau bão, nắm tình hình dự trữ lương thực tại các xã, các trường bán trú, nội trú.
Chằng chống nhà cửa trước bão. Ảnh: Lê Lâm/TTXVN |
Ngay sau cuộc họp trực truyến do Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì chiều 8/11, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tập trung mọi nguồn lực cho công tác đối phó với bão.
Trước mắt, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, bộ đội biên phòng, các địa phương ven biển bằng mọi biện pháp để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân, nhất là đối với ngư dân đang hành nghề xa bờ trên các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam khẩn trương tìm được nơi trú ẩn an toàn cho cả người và phương tiện.
Tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho biết, đến trưa 9/11, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân ở ngư trường xa bờ thuộc ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã tìm được nơi trú ẩn an toàn trên các đảo, toàn bộ tàu thuyền khai thác ngư trường vùng ven bờ đã kịp thời chạy vào trú ẩn an toàn trong các khu neo đậu trong đất liền.
Thượng tá Ngô Minh Tuấn, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội biên phòng Quảng Nam cho biết: Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã huy động thêm 4 tàu biên phòng nhằm tăng cường năng lực hỗ trợ nhân dân ở những vùng có nguy cơ bị triều cường, hải đảo vào nơi an toàn. Lực lượng biên phòng tỉnh đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn, tuyệt đối không để người dân ở lại trên thuyền sau 19 giờ ngày 9/11. Riêng tại Hải đội 2, cán bộ, chiến sĩ Hải đội đã duy trì tuần tra liên tục trên các vùng biển và vùng cửa sông để nhắc nhở ngư dân chủ động chằng chống nhà cửa, di chuyển từ những khu vực có nguy cơ do triều cường sóng biển vào nơi trú ẩn an toàn sâu trong đất liền.
Cùng với việc chủ động kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú bão, để tăng dung tích phòng lũ và giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trước khi cơn bão số 14 gây ảnh hưởng, UBND tỉnh Quảng Nam yêu các thủy điện trên địa bàn khẩn trương xả nước về cao trình quy định. Theo đó, hồ thủy điện A Vương điều tiết nước xuống cao trình 376 m và Ðăk Mi 4 điều tiết xuống 255 m trước 0 giờ ngày 9/11.
Trao đổi với phóng viên TTXVN qua điện thoại, ông Phan Ðức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm trưởng Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt huyện Ðại Lộc cho biết: Ngay sau cuộc họp trực tuyến vào chiều 8/11, lãnh đạo huyện Ðại Lộc đã triển khai các biện pháp cấp bách đối phó với bão. Do toàn bộ cư dân trong huyện đều nằm trong lưu vực của hệ thống các sông lớn là Thu Bồn và Vu Gia, trong đó có nhiều khu dân cư nằm trong vùng thấp trũng, lãnh đạo huyện yêu cầu các địa phương chậm nhất đến chiều 9/11 phải hoàn thành việc di chuyển người và tài sản có giá trị đến nơi ở an toàn.
Hiện tại, các lực lượng gồm công an, cơ quan quân sự, đoàn thanh niên và lực lượng thanh niên xung kích của các địa phương, cơ quan, trường học đã tăng cường công tác giúp đỡ nhân dân trong việc chằng chống nhà cửa để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Huyện chỉ đạo các địa phương cử lực lượng thường trực tại các khu vực nước băng qua đường, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại để phòng ngừa lũ cuốn trôi. Ngành y tế cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và duy trì chế độ trực 24/24h đối với toàn bộ cán bộ y, bác sĩ để kịp thời điều trị bệnh cho nhân dân trong những ngày mưa bão.
Đắk Lắk tăng cường kiểm tra công trình thủy lợi, thủy điện
Tỉnh Đắk Lắk đã phân công cán bộ về phối hợp cùng các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công trình thuỷ lợi, thuỷ điện và có kế hoạch di dời các khu dân cư ven sông, suối… nhằm không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của bão số 14.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 705 công trình thuỷ lợi, gồm 540 hồ chứa, còn lại là trạm bơm, đập dâng và 17 hồ thuỷ điện vừa và nhỏ; trong đó có 17 công trình hồ thuỷ lợi xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công trình thuỷ lợi xuống cấp chủ yếu là các hồ chứa, đập đất được xây dựng từ 25 năm trở lên nên các đợt mưa lũ vừa qua một số công trình phải xẻ, phá tràn xả lũ để tháo nước tránh nguy cơ vỡ hồ, đập. Theo dự báo, các địa phương Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Búk, Ea Kar, M’Đắk, Ea Súp có khả năng bị ảnh hưởng của bão nên tỉnh đã chỉ đạo phân công người trực 24/24 giờ tại các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, nhất là các công trình bị hư hỏng nặng để có biện pháp xử lý kịp thời. Riêng đối với các công trình hồ, đập đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ vỡ, tỉnh chỉ đạo không tích nước mà tuỳ theo tình hình thực tế, các đơn vị chức năng hạ cao trình, phá tràn xả lũ, tránh nguy cơ vỡ đập nguy hiểm cho các vùng hạ du.
Các địa phương cũng rà soát kiểm tra, lập danh sách lại từng hộ, từng công trình dân sinh ở vùng hạ du, đồng thời, có kế hoạch di dời các hộ đồng bào các dân tộc sinh sống ở ven sông, suối lên cư trú tạm thời ở các khu vực cao ráo. Tỉnh chỉ đạo các địa phương nghiêm cấm không cho đồng bào các dân tộc qua lại sông, suối hoặc ra sông suối vớt gỗ, củi khi có mưa bão…
Hà Tĩnh khẩn trương di dời trên 50.240 dân
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước “siêu bão” Hải Yến có thể đổ bộ vào, ngay trong sáng 9/11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh có lệnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tổ chức di dời dân vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn trước 17 giờ.
Theo đó, Hà Tĩnh sẽ phải di dời hơn 14.000 hộ với trên 50.000 người dân sống gần khu vực ven biển, ven sông tại 6 huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Trong đó, huyện Kỳ Anh sẽ di dời 4.444 hộ; huyện Cẩm Xuyên 2.799 hộ; huyện Lộc Hà 3650 hộ; huyện Nghi Xuân 2.135 hộ; huyện Thạch Hà 1.164 hộ và thành phố Hà Tĩnh 88 hộ.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh giao Công an, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh điều động lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương các huyện ven biển di dời dân và đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực phải di dời ở nơi đi và nơi đến.
Trưởng đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các địa phương di dời dân đúng thời gian quy định và không được để dân quay lại khi bão chưa tan.
Theo ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, không chỉ sơ tán người dân ở các vùng ven biển, cửa biển, lạch sông, tỉnh cũng sẽ ra lệnh để các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang ...thực hiện việc di dời dân đến nơi an toàn để tránh lũ ống, lũ quét có thể xẩy ra, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Quảng Trị phòng chống bão với phương châm 4 tại chỗ
Bão số 14 là cơn bão mạnh có sức tàn phá lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Trị. Do vậy, công tác phòng chống bão lũ đang được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai.
Công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm giúp dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đang được tỉnh Quảng Trị khẩn trương thực hiện từ chiều 8/11 đến ngày 9/11.
Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng Quảng Trị cho biết: Hiện nay, lực lượng cứu hộ cứu nạn ở các địa phương và các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện nhân lực, vật tư sẵn sàng ứng phó với các sự cố do siêu bão Hải Yến gây ra với phương châm 4 tại chỗ. Dự kiến đến 19 giờ ngày 9/11, việc chằng chống nhà cửa, công sở và di dời các hộ dân ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn ở tỉnh Quảng Trị sẽ cơ bản hoàn thành. Cùng với đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của người dân, hiện nay, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn đã đầy nước và đạt mức dâng cao so với thiết kế, công tác đảm bảo an toàn hồ đập đang được các địa phương, đơn vị quản lý nghiêm túc thực hiện.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực hết mình trong việc triển khai các biện pháp phòng chống bão, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do siêu bão Hải Yến gây ra.
Nghệ An phát lệnh di dời dân
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã yêu cầu một số địa phương phát lệnh di dời các hộ dân ở một số vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét và vùng có nguy cơ đe dọa cao của bão Hải Yến; trước 19 giờ ngày 9/11 phải hoàn thành việc kiểm tra, rà soát phương án, tổ chức sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, hạ du các hồ chứa, các khu tập thể, nhà cao tầng xuống cấp.
Theo kế hoạch, khoảng 1.200 hộ dân thị xã Cửa Lò sẽ di dời đến nơi an toàn, tránh xa các vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão. Huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu là những địa phương ven biển cũng đang triển khai các phương án di dời dân.
Thực hiện công điện của Trung ương và của tỉnh, sáng 9/11, nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An đã cho học sinh nghỉ học. Từ ngày 9/11, lực phương công an, quân đội, biên phòng bố trí trực 100% quân số và phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Hiện các ngành công thương, y tế tích cực chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm, thuốc và các nhu yếu phẩm cần thiết khác, đề phòng mưa bão có thể chia cắt dài ngày.
Tại Nghệ An, hiện nay công tác phòng chống bão Hải Yến đang gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn tỉnh có 50 hồ chứa nước dung tích lớn đã đầy. Trong khi đó, nhiều hồ do ảnh hưởng của các đợt mưa bão trước, đang trong tình trạng xuống cấp, có nguy cơ sạt lở, thân đập yếu. Tại một số địa phương, việc thông tin đến người dân về mưa bão, ngập lụt, lũ quét là rất khó khăn vì địa bàn ở xa, giao thông cách trở, các hộ dân sống không tập trung, mất điện nên không có điều kiện xem ti vi, nghe đài.
TTXVN/Tin tức