Ngắm những địa danh nổi tiếng của Hà Nội qua góc nhìn Flycam

Trong dòng chảy 70 năm của Thủ đô, những địa danh như: Quảng trường Ba Đình, Hồ Gươm, Văn Miếu, Chợ Đồng Xuân, Phố Cổ... là những chứng tích lịch sử trường tồn, biểu tượng của Hà Nội.

Chú thích ảnh
Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) nằm giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, là điểm kết nối của những khu phố cổ nổi tiếng như: Phố Hàng Đào, phố Hàng Ngang, phố Lương Văn Can và những khu phố như: Tràng Thi, Tràng Tiền, Bà Triệu, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Thủ đô và du khách dạo chơi quanh hồ, khám phá các địa danh nổi tiếng lân cận và tìm hiểu về nét văn hóa đặc trưng của khu phố cổ xung quanh.
Chú thích ảnh
Toà nhà Godard được xây dựng lần đầu năm 1901 thời Pháp thuộc. Ở thập kỷ 60 thế kỷ trước, đây được xem như  cửa hàng bách hoá lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, toà nhà có tên là Trung tâm thương mại Tràng Tiền, nằm ở ngã tư Hàng Bài-Đinh Tiên Hoàng-Tràng Tiền-Hàng Khay.
Chú thích ảnh
Được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1894-1899, Sở Bưu điện Hà Nội mang phong cách kiến trúc tân cổ điển; sau ngày giải phóng, được gọi là Bưu điện Hà Nội. Nay dù đã đổi tên thành "VNPT Hà Nội" nhưng tòa nhà Bưu điện Hà Nội luôn gắn với văn hóa, lịch sử Thủ đô từ hơn trăm năm nay. Không chỉ là một địa danh, nơi đây đã trở thành "di sản" trong lòng người Hà Nội.
Chú thích ảnh
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chú thích ảnh
Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài Hà Nội) được xây dựng từ thế kỷ 19, trên nền đất cũ của thành Tam Môn đời Lê trong Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng chính là điểm dừng chân đầu tiên trong các tour tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ngày nay, Cột cờ nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trên đường Điện Biên Phủ, đối diện với Vườn hoa Lê Nin. Không chỉ là di tích có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, Cột cờ còn là một trong những điểm đến hút khách du lịch.
Chú thích ảnh
Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Đến 6 giờ 30 phút ngày 1/8/2010, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Thủ đô Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.
Chú thích ảnh
Tọa lạc tại phía Nam của kinh thành Thăng Long, quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi tập trung những kiến trúc đặc sắc như hồ Văn, vườn Giám và Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử) – Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của Việt Nam); và cũng là nơi thờ 3 vị vua anh minh của dân tộc: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Chú thích ảnh
Trước đây, Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, địa điểm này là nơi khen tặng những học sinh xuất sắc; là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi.
Chú thích ảnh
Năm 1884, Nhà thờ Lớn được thiết kế và khởi công xây dựng bởi giám mục Puginier. Đến năm 1887 thì hoàn thiện và làm lễ khánh thành vào đúng dịp Giáng sinh. Đến nay, Nhà thờ Lớn đã gắn bó với người dân Thủ đô trong gần 2 thế kỷ; là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cộng đồng Công giáo Hà Nội và là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Chú thích ảnh
Năm 1804, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng một khu chợ ở phía Nam sông Tô Lịch để tiện cho việc giao thương buôn bán của tàu thuyền. Đến năm 1889, sau khi sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp, chính quyền Pháp đã quy hoạch và dồn hàng quán vào một khu đất trống ở phường Đồng Xuân. Năm 1890, người Pháp xây chợ với tổng diện tích 6.500 m2; năm 1990, chợ được sửa chữa lại chỉ còn 3 dãy giữa và xây 3 tầng. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây sửa lại với đầy đủ hệ thống cứu hỏa, thông khí và thoát hiểm; diện tích lên đến 14.000m2 với khoảng 2.000 gian hàng. Nơi đây trở thành khu chợ hiện đại và sầm uất nhất Thủ đô Hà Nội. 
Chú thích ảnh
Ô Quan Chưởng hay còn gọi là Đông Hà Môn (cửa phường Đông Hà), được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) triều đại nhà Lê. Đến năm Gia Long thứ 3 (1804), cửa ô được xây dựng lại, mở rộng quy mô như hiện tại. Đông Hà Môn được đổi tên thành Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao của một viên Chưởng cơ và đội quân 100 binh lính do ông chỉ huy đã anh dũng chiến đấu với quân Pháp để bảo vệ thành Hà Nội. Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, in đậm dấu ấn lịch sử kinh thành Thăng Long.

 

Chú thích ảnh
Ga Hà Nội (trước đây gọi là ga Hàng Cỏ) do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902 cùng với cầu Long Biên. Trải qua hai cuộc khánh chiến chống Pháp và chống Mỹ, ga Hà Nội luôn là một đầu mối giao thông vận tải quan trọng của nước Việt Nam ta nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Chú thích ảnh
Theo đồ án quy hoạch, ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị; là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô.
Chú thích ảnh
Cầu Long Biên khánh thành vào năm 1902, cùng với ga Hà Nội. Cây cầu thuộc đường Quốc lộ 1 cũ bắc qua sông Hồng, thay thế cho bến đò Ngọc Lâm từ thế kỷ 19. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: 1899 - 1902 - Daydé & Pillé - Paris). 
Chú thích ảnh
Trong thời kì Mỹ ném bom miền Bắc (1965-1972), cầu đã nhiều lần bị đánh sập hoặc hư hại, vì thế đa số các đoạn cầu Long Biên hiện nay là do Việt Nam xây lại trong thập niên 1970, chứ không phải là chiếc cầu nguyên bản nữa. Cầu Long Biên là một trong hai cây cầu ở Việt Nam được tổ chức lưu thông ngược chiều (đi trái phần đường).
Chú thích ảnh
Ban đầu, cầu Long Biên chỉ được thiết kế cho đường sắt đơn. Đến năm 1914, do nhu cầu vận tải đường bộ ngày càng gia tăng nên chính quyền thuộc địa đã có ý định mở rộng thêm làn đường bộ trên cầu. Việc thi công đường ô tô hai bên cầu được bắt đầu vào năm 1922 và được khánh thành lại vào năm 1924. Sau hơn 1 thế kỷ tồn tại, cầu hiện đang xuống cấp và hạn chế các phương tiện có trọng tải lớn đi qua.
Chú thích ảnh
Năm 1954, đất nước còn đang chịu cảnh Bắc Nam chia cắt. Miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng Xã hội chủ nghĩa, miền Nam vẫn gánh chịu chiến tranh. Bấy giờ, những cán bộ viên chức Miền Nam chọn một nơi công cộng để tụ họp, tổ chức sinh hoạt hàng tháng, từ đó Công viên Thống Nhất được xây dựng dựa trên sự lao động tự nguyện của người Hà Nội với mong muốn đất nước sớm có ngày thống nhất. Có một thời gian, Công viên Thống Nhất mang tên công viên Lê Nin (1980–2003). Từ khi vườn hoa Chi Lăng được đặt tên công viên Lê Nin, công viên Thống Nhất mới dùng lại tên cũ.
Chú thích ảnh
Khi thành lập năm 1956, các thế hệ giảng viên và cán bộ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội luôn tận tụy làm việc, cống hiến để  “phát triển con người, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội và đất nước”. Sự đóng góp lớn lao của Người Bách khoa - đội ngũ hàng trăm ngàn cựu sinh viên, những người đã và đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp và giáo dục; làm nên danh tiếng của trường ngày nay. Tháng 12/2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, theo quyết định của Chính phủ; đánh dấu một mốc chuyển mình trong phát triển.
Chú thích ảnh
Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, trên Quốc lộ 1 cũ nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên hoàn toàn do phía Việt Nam tự thiết kế và thi công mà không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Hiện trên hai đầu nhịp cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc tên cầu và thời gian thi công: Cầu Chương Dương - 10/1983 - 6/1985.
Chú thích ảnh
Những năm 80 của thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang dở dang và dù có xong thì nó cũng không chia sẻ được nhiều do vị trí quá xa trung tâm. Do vậy, dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một; lúc khởi công, công trình được mang tên "Cầu treo mùa xuân". Vào ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên.
Chú thích ảnh
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng. Bởi vậy, khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ.
Chú thích ảnh
Đến thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 - 1705), với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới ngày nay.
Chú thích ảnh
Năm 2016, báo Daily Mail ở Anh xếp chùa vào trong số 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Năm 2017, trang web du lịch: wanderlust.co.uk đã xếp ngôi chùa này vào vị trí thứ ba trong 10 ngôi chùa "đẹp nhất trên toàn thế giới" vì hài hòa với môi trường xung quanh.
Chú thích ảnh
Nằm gọn trên đảo nhỏ ở hồ Trúc Bạch, ngôi đền Thủy Trung Tiên còn có tên gọi khác là đền Cẩu Nhi, được bao xung quanh bởi những hàng cây xanh cổ thụ um tùm. Nơi này gắn liền với truyền thuyết hai mẹ con chó hóa thần và được cho là có nguồn gốc từ thời nhà Lý.
Chú thích ảnh
Đền Cẩu Nhi được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ 19, vốn là nơi thờ Mẫu Thoải chứ không phải thờ Thần Chó. Đến năm 1982, đền Cẩu Nhi bị phá đi, đến năm 1985 lại được phục hồi lại, trở thành hiện trạng như hiện nay. Đền Cẩu Nhi nằm trong quần thể di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc.
Chú thích ảnh
Trước kia, để ra được đền Cẩu Nhi, người ta phải đi bằng xuồng, thuyền. Hiện nay, ở đây được xây dựng một chiếc cầu đá bắc qua gò nhỏ nổi trên hồ Trúc Bạch. Đền được đổi sang cái tên là Thủy Trung Tiên, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi nơi đây với cái tên cũ.
Chú thích ảnh
Đường Thanh Niên vốn là con đập được người dân đắp vào đầu thế kỷ thứ 17, với mục đích giữ cá nuôi trong hồ Trúc Bạch. Lúc đầu mang tên “Cố Ngự” (giữ vững), sau được đọc chệch thành “Cổ Ngư.” Đường dài gần 1 km, bắt đầu từ dốc Yên Phụ tới ngã ba Quán Thánh - Thụy Khuê.
Chú thích ảnh
Những năm 1957 - 1959, sau khi thanh niên Thủ đô góp sức làm đường Cổ Ngư và một số công trình khác to đẹp hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý đổi tên thành đường Thanh Niên để ghi nhận và cổ vũ sự đóng góp công sức của thế hệ trẻ.
Chú thích ảnh
Đường Thanh Niên từ lâu đã được mệnh danh là “Con đường tình yêu”, “Con đường đẹp nhất Hà Nội” với lòng đường đẹp, vỉa hè thoáng rộng và những hàng cây xanh mát quanh năm.
Trung Nguyên/Báo Tin tức
'Get on Hanoi 2024' sẽ có màn trình diễn ánh sáng bằng flycam
'Get on Hanoi 2024' sẽ có màn trình diễn ánh sáng bằng flycam

Sự kiện nằm trong chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024” và sự kiện công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân với chủ đề “Get on Hanoi 2024 - Sắc hương Tây Hồ”, diễn ra từ ngày 9 - 10/3, tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn) 612 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN