Hang Quân y - Điểm đến du lịch hấp dẫn trên đảo Cát Bà

Hang Quân y trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) là một hang động đặc biệt, đã ghi lại nhiều chiến tích oanh liệt của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Hang Quân y nằm trên trục đường xuyên đảo, cách thị trấn Cát Bà khoảng 7km, thuộc địa bàn thôn Hải Sơn (tên gọi cũ là Khe Sâu) của xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Anh Hoàng Hữu Thắng, người có thâm niên làm hướng dẫn viên du lịch ở đây cho biết: Hang Quân y là nơi ghi lại nhiều chiến tích oanh liệt của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Điểm khác biệt là Hang Quân y được xây dựng khép kín, nằm gọn trong lòng hang động tự nhiên; do đó toàn bộ cảnh quan bên ngoài vẫn còn nguyên sơ hòa trong phong cảnh tuyệt đẹp của quần đảo Cát Bà.

Chú thích ảnh
Du khách tới tham quan khu Di tích lịch sử Hang Quân y trên đảo Cát Bà.
Chú thích ảnh
Điểm bán vé tham quan danh thắng Hang Quân y.
Chú thích ảnh
Nơi để xe miễn phí phục vụ du khách tới tham quan Hang Quân y.
Chú thích ảnh
Cửa vào bệnh viện dã chiến nằm trong lòng núi.

Hang Quân y nằm trong lòng một quả núi, được hình thành do tạo hóa. Cùng với sự cải tạo của con người, hang đã trở thành bệnh viện dã chiến nên người dân nơi đây quen gọi là hang/động Quân y.

Cũng theo anh Hoàng Hữu Thắng, năm 1963 - 1965 khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta bằng máy bay và tàu chiến ở thời điểm ác liệt nhất; để đối phó với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, quân và dân trên đảo Cát Bà đã dựa vào khoảng trống tự nhiên của hang động có sẵn để xây dựng một bệnh viện dã chiến trong lòng núi đá vôi này làm nơi trú ẩn, tránh bom, đạn.

Chính vì thế mà từ năm 1963 trở lại đây hang đổi tên là Hang Quân y như ngày nay.

Chú thích ảnh
Phía sau cánh cửa của bệnh viện là phòng trực ban nội vụ. Tại đây nhân viên trực ban sẽ đón tiếp và giới thiệu, hướng dẫn bệnh nhân đến các phòng chức năng chuyên sâu. 
Chú thích ảnh
Lối đi dọc bệnh viện dã chiến, hai bên là các phòng chức năng của các bác sỹ và khu chăm sóc bệnh nhân.
Chú thích ảnh
Khu vực hậu phẫu của bệnh viện. Ở đây bệnh nhân tiếp tục được các y bác sĩ tiếp tục theo dõi sức khỏe, điều trị sau khi mổ.
Chú thích ảnh
Một phòng điều trị cho bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến ở Hang Quân y.
Chú thích ảnh
Phòng phục hồi chức năng của bệnh viện dã chiến trong Hang Quân y.

Từ ngoài đường vào đến cửa hang, du khách phải leo dốc qua nhiều bậc đá, đi chừng 800m, lối lên cửa hang hiện ra trước mặt. Du khách leo lên một cầu thang sắt cao chừng 50m là sẽ bước vào trong vòm hang, phía bên trái cửa hang là lối vào “Bệnh viện dã chiến” trong lòng hang đá.  

Hang Quân y kết cấu bằng bê tông cốt thép. Ngay ở lối vào cửa hang du khách sẽ bắt gặp một cánh cửa sắt kiên cố, chiều dài nối giữa hai cửa hang khoảng 200m, thiết kế gồm có cửa trước tiếp giáp phía Tây, cửa sau tiếp giáp phía Đông.

Cửa hang thiết kế cong hình cầu rất đặc biệt nhằm mục đích tránh bom đạn khi đạn văng vào, do đường cong của cửa, chúng sẽ bắn sang hai bên thay vì găm thẳng vào gây hư hại cửa. Ngay sau tấm cửa kiên cố với 4 chốt sắt phụ, 1 chốt chính là lối vào bệnh viện dã chiến với quy mô lớn. Ánh sáng dọc theo hành lang đủ phục vụ cho việc đi lại.  

Chú thích ảnh
Theo thiết kế, tầng một là khu vực chính gồm 14 phòng chức năng. Đây là phòng bệnh nhân sau khi đã được mổ xong và sẽ được theo dõi sức khỏe tại đây.
Chú thích ảnh
Hang Quân y với cấu trúc đặc biệt và ý nghĩa lịch sử to lớn, phản ánh sự sáng tạo phi thường của con người.
Chú thích ảnh
Phòng họp giao ban của bệnh viện dã chiến trong Hang Quân y.
Chú thích ảnh
Kết thúc chiến tranh, bệnh viện được chuyển đi nhưng những kỳ công trong xây dựng, thiết kế đã khiến nơi này trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử độc đáo đối với thế hệ trẻ.

Theo thiết kế, khu vực giữa hang có 3 tầng riêng biệt và gồm 17 phòng lớn nhỏ. Ước tính, toàn bộ bệnh viện dã chiến này rộng khoảng 2.000m2 gồm các tầng như sau:

Tầng 1 là khu vực chính gồm 14 phòng chức năng, được thiết kế bằng bê tông cốt thép rất kiên cố và chắc chắn.

Tầng 2 và tầng 3 là hang đá tự nhiên. Đây là khu vực chiếu phim và kiểm tra thể lực; khu vực sảnh đón tiếp, phòng gác và phòng sĩ quan.

Những căn phòng trực của các bác sĩ trong bệnh viện dã chiến đều có hệ thống điện chiếu sáng đảm bảo phục vụ cho công tác cứu chữa bệnh nhân thời kháng chiến.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan khu vực tầng 2 của bệnh viện dã chiến trong Hang Quân y. Đây là khu vực chiếu phim và kiểm tra thể lực cũng như sinh hoạt tập thể của các y bác sĩ và bệnh nhân khi điều trị tại bệnh viện.

“Hang Quân y phản ánh quy mô xây dựng thời chiến của của một quân y viện lớn; đầy đủ tiện nghi và diện tích chữa bệnh cho hàng trăm người”, anh Hoàng Hữu Thắng cho hay.

Trong những năm chiến tranh, bệnh viện dã chiến này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, toàn bộ cấu trúc bên trong Hang Quân y ngày này vẫn còn gần như nguyên vẹn, gợi lại không khí sôi động, khẩn trương quyết thắng của quân và dân ta trong những ngày đánh Mỹ.

Sức mạnh kiên cường bất khuất quân và dân huyện đảo Cát Bà đã làm nên bệnh viện thời chiến này. Ngày nay Hang quân y đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử độc đáo đối với thế hệ trẻ cũng như du khách trong và ngoài nước. 

Bài, ảnh: V.T/Báo Tin tức
Khu du lịch Cát Bà đông nghẹt khách những ngày nghỉ cuối tuần
Khu du lịch Cát Bà đông nghẹt khách những ngày nghỉ cuối tuần

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, vào những ngày nghỉ cuối tuần, người dân có nhu cầu đi du lịch biển tăng đột biến, khiến nhiều dịch vụ quá tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN