Quần đảo Cát Bà đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tháng 9/2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học đã được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO.
Sau quá trình thẩm định, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã dự thảo Quyết định số WHC-14/38.COM/INF.8B trình Ủy ban Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: “Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, theo các tiêu chí (vii) và (viii) và có thể là tiêu chí (x), để gộp cả Quần đảo Cát Bà”.
Văn phòng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) tại Việt Nam đã có Công văn số 09/IUCNVN/2016 khẳng định sự cần thiết của việc mở rộng Vịnh Hạ Long với Quần đảo Cát Bà để xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thế giới.
Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm hơn 360 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Việc đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau. Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới trước hết sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Cát Bà, đồng thời góp phần quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước, thu hút các lĩnh vực đầu tư kinh tế sinh thái.