Hà Nội thông xe tuyến vành đai 2

Sáng 11/1, tại Hà Nội, tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy) kết hợp với phần mở rộng mặt đường dưới thấp đã chính thức thông xe. Đây là dự án giao thông quan trọng kết nối 3 quận nội thành, trị giá 9.400 tỷ đồng.

Sau hơn 4 năm thi công, sáng 11/1, đường trên cao Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng thông xe và chính thức thông toàn tuyến Vành đai 2 trên cao, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, dài 5,1 km. Ngay sau lễ thông xe, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức phân luồng, hướng dẫn để phương tiện đi lại được thuận lợi.

Chùm ảnh và video phóng viên ghi nhận tại lễ thông xe:

Chú thích ảnh
Lễ thông xe dự án tuyến đường Vành đai 2 trên cao.
Chú thích ảnh
Dự án bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp, có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng.
Chú thích ảnh
Trong đó, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở.
Chú thích ảnh
Phần dưới thấp dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.
Chú thích ảnh
Toàn cảnh nút giao thông cao tầng nhất của Hà Nội, nơi vành đai 2 đi qua ngã tư Giải Phóng-Trường Chinh-Đại La.
Chú thích ảnh
Những chiếc xe đầu tiên chạy trên tuyến vành đai 2.
Chú thích ảnh
Hệ thống biển cảnh báo giao thông được lắp đặt hoàn thiện. Vành đai 2 dành cho ô tô, các phương tiện khác phải đi làn dưới thấp.
Chú thích ảnh
Dự án nối liền 3 quận trung tâm gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, được khởi công từ năm 2018.
Chú thích ảnh
Trước đó, ngày 9/1, Sở Giao thông vận tải cũng thông báo tiếp tục điều chỉnh giao thông nút giao Ngã Tư Sở - Hà Nội để chuẩn bị cho ngày thông xe Vành đai 2 trên cao.
Chú thích ảnh
Từ đường Láng, các phương tiện không được rẽ trái đi Tây Sơn mà đi thẳng qua nút giao và quay đầu tại điểm mở trên đường Trường Chinh (cách nút giao 760 m).
Chú thích ảnh
Từ đường Nguyễn Trãi, các phương tiện cũng không được đi thẳng sang phố Tây Sơn, không được rẽ trái dưới gầm cầu vượt để vào đường Láng. Thay vào đó phải rẽ vào đường Trường Chinh và quay đầu tại điểm mở trên đường này.
Chú thích ảnh
Theo thiết kế, mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, dải  an toàn ngoài là 0,67m. Đối với các nhánh lên/xuống có bề rộng 7m, bố trí 1 làn đường xe chạy là 6m, dải an toàn hai bên là 0,5m.
Chú thích ảnh
Giao thông trên đường trên cao theo hai chiều riêng biệt (phân chia bởi dải phân cách cứng). 
Chú thích ảnh
Tốc độ lưu hành cho phép đối với các phương tiện tham gia giao thông trên cầu chính là 80km/h, trên cầu nhánh là 60 km/h. Người lái xe phải làm chủ tốc độ trên các nhánh đi vào, đi ra đường trên cao nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Chú thích ảnh
Sau thông xe, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố chủ trì cùng các sở chức năng, chuyên ngành phối hợp với nhà đầu tư (Tập đoàn Vingroup) sớm hoàn thành những nội dung cần hoàn thiện theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng; tổ chức bàn giao các hạng mục của công trình đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng cho các đơn vị quản lý để tiếp nhận và thực hiện công tác duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức thực hiện nghiệm thu, quyết toán các hạng mục công trình đã hoàn thành theo quy định.

  

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Vành đai 2 trên cao Hà Nội sẽ thông xe ngày 11/1
Vành đai 2 trên cao Hà Nội sẽ thông xe ngày 11/1

Hà Nội đã chốt vào ngày 11/1/2023 sẽ thông xe Vành đai 2 trên cao (đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy), kết hợp với mở rộng đường dưới thấp theo quy hoạch, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN