Chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Trọng Thành (50 tuổi) trong một buổi sáng tháng 8 để tìm hiểu về nghề làm lồng đèn giấy kiếng truyền thống. Căn nhà của ông nằm sâu trong con hẻm nhỏ số 49 đường Trịnh Đình Trọng (quận 11, TP Hồ Chí Minh). Trong những ngày này, gia đình ông đang hối hả sản xuất các loại lồng đèn để kịp giao cho khách.
Ông Thành cho biết: "Bố mẹ tôi từ Nam Định vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp với nghề làm lồng đèn, đến nay gia đình đã trải qua hơn 50 năm, tôi là thế hệ thứ 2 làm nghề. Mỗi năm vào mùa Trung thu, gia đình sản xuất hàng nghìn sản phẩm. Bắt đầu tháng 1, tháng 2 là chuẩn bị nguyên liệu trước, cho đến tháng 7 là tập trung vẽ sản phẩm rồi giao hàng cho khách".
“Để làm làm ra một sản phẩm lồng đèn phải trải qua 4 công đoạn: Công đoạn chọn tre, chẻ tre, làm khung; cắt giấy; vẽ lên giấy kiếng; trang trí. Trong đó, khâu khó nhất là khâu làm khung rồi cho đến khâu vẽ sao cho phải giống, đẹp, sạch sẽ và sắc nét”, ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, sản phẩm của gia đình chủ yếu là các con thú như: Rồng, thỏ, công, phụng, đèn kéo quân… Riêng chủ đề biển đảo, gia đình cũng có làm nhưng với số lượng ít vì làm tàu thường phải có chỗ để. Mỗi chiếc lồng đèn có giá từ 10.000 - 200.000 đồng tùy theo kích cỡ lớn nhỏ.
Cũng theo ông Bình, những năm gần đây thị trường bắt đầu quay trở lại dùng đèn lồng truyền thống nhiều, đó là một tin vui cho làng nghề Phú Bình. Năm nay, gia đình nhận được khoảng 4.000 đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp lớn trong nước và một số Việt kiều ở Canada, Mỹ.