Chị Đinh Thị Hoàng Loan (38 tuổi), ngụ tại số nhà 77/45, khu phố 2, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/điôxin từ bố mình, ông Đinh Phương vốn từng là một cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ năm xưa.
Bằng nghị lực bản thân và lòng tin yêu cuộc sống, “cô gái da cam” đã tập tành làm thơ. Nhiều người khâm phục Hoàng Loan bởi một tâm hồn thơ mãnh liệt trong hình hài không trọn vẹn. Đến nay, Hoàng Loan đã làm được tổng cộng hơn 300 bài thơ và cho xuất bản nhiều tập thơ.
Nhà thơ Ngô Hường, hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai bày tỏ: “Lúc mới biết chị, tôi ngỡ Hoàng Loan cũng được học hành đầy đủ mới có thể làm được những vần thơ lay động lòng người như thế. Nhưng ngờ đâu, chị chưa từng đi học bao giờ. Vậy mà, trong vòng 5 năm (từ 2011 đến nay) chị đã ra mắt độc giả 3 tập thơ và 1 tập in chung nhiều tác giả. Hiểu và đồng cảm với thơ Hoàng Loan, chúng tôi thường xuyên đến với chị để chia sẻ yêu thương...”.
Năm 2013, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Đồng Nai đã tài trợ in tập “Xe Lăn Khát Vọng” cho chị Loan. Tập thơ thứ 2 này với hơn 100 bài thơ chất chứa nhiều khát vọng, hoài bão, niềm tin vào cuộc sống của một người khuyết tật đã gây xúc động mạnh trong giới văn nghệ cả nước.
“Không có rào cản nào ngăn cách được tôi với thế giới bên ngoài. Thời gian trôi qua nhẹ như cơn gió, tưởng chừng mọi thứ sẽ êm ả. Từng ngày ngồi trên chiếc xe lăn, tôi không cam chịu cuộc sống mình bó hẹp trong không gian quanh quẩn bên chiếc xe lăn, tôi sẽ vẫn tiếp tục dệt cho mình những mơ ước, đó là được sống bên cạnh người yêu thương, được làm vợ và làm mẹ. Tôi dệt ước mơ bằng niềm tin mãnh liệt ở cuộc sống này, bằng tất cả trái tim bé bỏng của mình...”, chị Hoàng Loan chia sẻ. |
Từng ngày, cô gái da cam vẫn miệt mài khổ luyện “vẽ thơ” bằng những ngón tay cong trên trang giấy trắng học trò... |
Bà Hoàng Thị Xuân (mẹ của chị Loan) kể lại, năm chị khoảng 12 tuổi, ở nhà tự học đọc và viết được con chữ cái đầu đời thì chị đã yêu thích đọc sách và làm thơ. |
Những câu thơ trọn vẹn đầu tiên là Loan viết dành tặng mẹ mình: “Mẹ chải tóc cho con/ Tóc con xanh dìu dịu/Tóc mẹ trắng như bông/Buổi chiều màu tim tím/ Miệng con cười rạng rỡ/Vầng trán mẹ nếp nhăn...” (trích trong bài Mẹ chải tóc cho con). |
Mỗi bài thơ được hiện diện trên báo là niềm vui lớn để tăng thêm nghị lực sống cho chị. |
Tình yêu thiên nhiên cỏ cây, hoa lá trong tâm hồn cô gái tật nguyền luôn tràn đầy, giúp Loan có cảm hứng viết những vần thơ trong sáng: “Sáng nay nghe nắng gọi ta/Mở tung cửa sổ đóa hoa mỉm cười “(trích trong bài “Nhẹ nhàng”). |
Hoàng Loan còn tự mày mò, kiên trì và khó nhọc học sử dụng máy vi tính để viết thơ dễ dàng hơn và mong muốn có cơ hội đưa thơ mình “trình làng” ở các trang mạng xã hội. |
Với nick-name “Xe lăn vui vẻ” trên Facebook, Hoàng Loan còn làm quản trị viên cho diễn đàn “Trái tim hồng” của những người khuyết tật Việt Nam. |
Bên cạnh làm thơ, làm quản trị viên cho các trang mạng xã hội, Hoàng Loan còn kinh doanh trên mạng với những sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên. |