Cận cảnh thi công nhà ga và lắp ráp mái vòm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Hai trong số 11 nhà ga trên cao thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang được thi công lắp ráp khung thép mái vòm. Dự kiến đến cuối năm 2018, Ban Quản lý giao thông đô thị số 1 sẽ thi công lắp ráp thêm 8 mái vòm nhà ga trên toàn tuyến.

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức ngày 13/4 tại 2 nhà ga Bình Thái (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) và Khu công nghệ cao (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) hiện đang được Ban Quản lý đường sắt đô thị số 1 tiến hành thi công lắp hệ thống mái vòm nhà ga bằng thép, tạo hình trong tổng số 11 nhà ga trên cao.

Công nhân thi công nhà ga Khu công nghệ cao (quận 9).

Nhà ga Khu công nghệ cao (quận 9) nhìn từ trên cao.

Tuyến đường sắt đô thị đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có 11 ga trên cao gồm: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công Nghệ Cao, Suối Tiên, Bến xe Suối Tiên. Tổng chiều dài tuyến đi trên cao là 17,1 km.

Hiện nay nhà ga Khu công nghệ cao (quận 9) cơ bản đã hoàn thành.

Theo ông Phạm Ngọc Quang, chuyên viên Ban Quản lý tuyến đường sắt đô thị số 1 cho biết, hiện đơn vị đang thi công 2 nhà ga loại A là ga Bình Thái, ga Khu công nghệ cao. Dự kiến đến ngày 30/4, hai ga trên sẽ hoàn thiện.


Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2018 sẽ hoàn chỉnh thêm 2 nhà ga trên cao là ga Thảo Điền và ga Phước Long. Bên cạnh đó, Ban Quản lý giao thông đô thị số 1 sẽ tiếp tục thi công các công đoạn của các nhà ga khác trên toàn tuyến.


Trong tổng số 11 nhà ga trên cao thì có 8 nhà ga loại A gồm: Ga Văn Thánh, ga Thảo Điền, ga Rạch Chiếc, ga Phước Long, ga Bình Thái, ga Thủ Đức, ga khu công nghệ cao, ga Suối tiên và 3 nhà ga loại B, C, D gồm: ga Tân Cảng, ga An Phú, ga Suối Tiên.

Ga khu công nghệ cao (quận 9) nhìn từ trên cao.

Trong đó, nhà ga loại A rộng trung bình khoảng 22m, diện tích mái 3.000 m2, diện tích sàn 1.700m2, chiều cao 19,45m. Nhà ga hai tầng trên cao, tầng 1 kết cấu bê tông cốt thép, tầng mái là kết cấu lai, khung thép.

Công nhân thi công bên trong nhà ga Bình Thái (quận 9).

Nhà ga Bình Thái (quận 9) đã hoàn thành thi công được 50%.

Nhà ga loại B (ga Tân Cảng) rộng khoảng 35,2m, diện tích mái 6.600 m2, cao 26,95m. Nhà ga hai tầng trên cao, tầng 1 kết cấu bê tông cốt thép, tầng mái là kết cấu lai, khung thép mái kết cấu màng mỏng kéo căng cốt liệu sợi.

Lan can sắt được lắp đặt hai bên hành lang tuyến đường sắt.

Nhà ga loại C (ga An Phú) rộng khoảng 18,5m diện tích mái 3.000 m2, cao 21,5m. Nhà ga hai tầng trên cao, tầng 1 kết cấu bê tông cốt thép, tầng mái là kết cấu lai.

Nhà ga Bình Thái (quận 9) đang được thi công lắp ráp, dự kiến đến 30/4 hoàn thiện.

Nhà ga loại D (ga Suối Tiên) rộng khoảng 17,5m diện tích mái 3.000 m2, cao 21,5m. Nhà ga hai tầng trên cao, tầng 1 kết cấu bê tông cốt thép, tầng mái là kết cấu lai.

Mô phỏng nhà ga Bình Thái sau khi hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Với chiều dài mỗi nhà ga 137,17 mét. Các nhà ga được thiết kế hai tầng, kết nối với cầu dành cho khách bộ hành kết nối bờ Nam và Bắc qua xa lộ Hà nội (ngoại trừ ga cuối Suối Tiên). Các nhà ga là công trình cơ sở hạ tầng công cộng nên ấn tượng và là điểm nhấn đối với kiến trúc qui hoạch xung quanh. 


Các nhà ga trên cao sẽ được thiết kế dựa trên hệ thống thông gió tự nhiên và ánh sáng với thiết kế và xây dựng có thể chống lại các tác động của thời tiết.


Các thang cuốn, thang bộ và thang máy được bố trí để vào khu vực thương mại tầng 1 và phòng đợi lớn bao gồm khu vực đã mua vé tàu và chưa mua vé tàu, sân ga. Khu vực thương mại bao gồm các kiot, cửa hàng sẽ được bố trí riêng biệt với khu vực của hệ thống tàu điện.

Đoạn đường sắt bắc ngang ngã tư Thủ Đức (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) đang được thi công nối liền nhau.

Hiện nay, toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 còn 2 điểm thi công trên cao chưa được nối liền với nhau, gồm: đoạn bắc ngang ngã tư Thủ Đức (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) và đoạn chân cầu Sài Gòn giáp đường Điện Biên Phủ (phường 22, quận Bình Thạnh).


Tuyến metro qua khu vực phường Thảo Điền (quận 2) và Bình Thái đã được lắp lan can sắt. Đồng thời, tại điểm cuối khu depot Long Bình (quận 9), hàng chục công nhân cùng xe cơ giới cũng đang tích cực thi công, nhà bằng thép dài hàng trăm mét đã lắp mái vòm cũng được dựng lên.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 đưa vào khai thác cuối 2020 sẽ giúp giảm áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố.

Đường sắt đô thị số 1 dự kiến đưa vào khai thác cuối 2020, trở thành tuyến metro đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh giúp giảm áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố hiện đang quá tải.


Mạnh Linh/Báo Tin tức
Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đội vốn, lùi thời gian hoàn thành
Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đội vốn, lùi thời gian hoàn thành

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) từ 1,3 tỷ USD lên 2,173 tỉ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN