Tại một điểm "cơm treo" trên đường Lê Văn Việt (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đều đặn mỗi ngày đều có cơm, bánh hamburger miễn phí dành cho người khó khăn.
Trước cửa quán của mình, chủ quán đặt sẵn chiếc bàn, trên đó có thùng nhựa đựng cơm và trà đá miễn phí. Chủ quán còn cẩn thận dán thêm mấy tấm bảng bên cạnh: "Cơm treo. Gửi tới cô chú anh chị khó khăn. Nếu có thì hãy lấy dùng ạ. Chúc cô chú anh chị ăn ngon miệng". "Cơm treo" tại quán hoạt động vào 2 khung giờ: trưa từ 11 - 13 giờ và chiều từ 17 - 19 giờ. Phần cơm ở quán rất đa dạng để người lao động chọn lựa.
Bên trong thùng nhựa có đặt những tấm thẻ "cơm treo". Người lao động lấy thẻ và vào quán chọn món ăn, sau đó các nhân viên sẽ phục vụ món ăn theo yêu cầu. Việc thực hiện các món ăn theo yêu cầu sẽ giúp người nhận cơm luôn được ăn những suất cơm còn nóng và không bị hư hỏng.
Các nhân viên sẽ thay nhau nhận thẻ "cơm treo" khách đưa. Trong khi chờ nhận cơm, các bạn sẽ chủ động mời khách vào bên trong ngồi cho mát.
Một nhân viên của quán "cơm treo" cho biết : "Chỉ cần vài phút chúng em sẽ làm xong những phần cơm nóng hổi cho các cô chú, người lao động khó khăn. "Cơm treo" tặng cho khách như thế nào thì tụi em cũng bán cho người dân như vậy. Các bạn nhân viên cũng ăn cơm của quán, mỗi ngày 1 - 2 bữa. Suất cơm nào cũng ngon, cũng chất lượng với nhiều phần đồ ăn ngon và nóng hổi".
Chủ quán "cơm treo", anh Huỳnh Tấn Minh (36 tuổi) cho biết, mô hình "cơm treo" này xuất phát từ mô hình "cà phê treo" ở Canada. Tại đây, khách uống cà phê sẽ trả tiền thêm một ly cà phê để mời một người xa lạ không đủ tiền mua. Ly cà phê được trả trước này được chủ quán chuyển thành 1 phiếu và treo hoặc dán lên bảng, người không có tiền vào quán và lấy phiếu này để mua cà phê. Tâm đắc với ý tưởng này, anh cũng thực hiện "cơm treo" để giúp đỡ người khó khăn đi ngang qua quán cơm của mình. Mỗi ngày anh ủng hộ 20 phần cơm và hiện nay anh đang rủ thêm bạn bè cùng thực hiện để có thêm nhiều phần cơm ngon cho người khó khăn.
Quán có nhiều món ăn nhưng đa phần thực khách nhận "cơm treo" thường chọn món cơm gà chiên mắm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (60 tuổi, ngụ ở Bình Dương) hàng ngày chạy xe ôm tại một bệnh viện trên đường Lê Văn Việt (thành phố Thủ Đức) cho biết: "Trước giờ tôi thường xin cơm từ thiện ở chùa hoặc quán cơm chay ở đường Làng Tăng Phú. Tuy nhiên, khi biết có thùng cơm miễn phí gần bệnh viện nơi mình làm việc, tôi vui lắm vì từ giờ tôi sẽ không tốn tiền xăng chạy đi xa xin cơm miễn phí".
Chùm ảnh, clip: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức