Quảng Trị: Chính quyền lơ là quản lý, các đối tượng ồ ạt đào đất rừng đem bán

Lợi dụng dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022 và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, trong những ngày qua, nhiều đối tượng đã ồ ạt đào đất rừng ở thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị rồi vận chuyển ra khỏi địa bàn để bán cho những người có nhu cầu san lấp mặt bằng.

Chú thích ảnh
Khu vực bị đào sâu trên phạm vi rộng để lấy đất vận chuyển đi nơi khác bán. 

Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Vĩnh Chấp, khu vực mà các đối tượng đào đất đem bán là đất rừng thuộc Dự án trồng rừng Việt – Đức, được chính quyền địa phương giao cho người dân trồng rừng sản xuất từ năm 1997 – 1998. Khu đất rừng này chỉ cách Quốc lộ 1A khoảng 500m và cách khu dân cư khoảng 300m. Con đường độc đạo vào khu đất rừng này chỉ vừa đủ cho xe ô tô tải loại vừa chạy ra, vào lấy đất rồi vận chuyển ra khỏi địa bàn. Những ngày qua, hàng dài xe ô tô tải nối nhau ra, vào lấy đất từ khu vực này. Ở giữa khu đất có chiếc máy xúc cỡ lớn luôn hoạt động hết công suất, đào đất đưa lên xe ô tô tải vận chuyển đi bán ở nơi khác.

Ngày 5/1, sau khi người dân thông báo cho cơ quan chức năng về vụ việc thì “đội quân” đào đất rừng nhanh chóng rút toàn bộ lực lượng và phương tiện ra khỏi hiện trường. Thế nhưng khu đất rừng rộng lớn đã tan hoang, mặt đất bị “băm nát” biến dạng hoàn toàn và có dấu hiệu bị hủy hoại khi chỗ đào sâu ít cũng từ 2 – 3m, nhiều lên đến 5 – 6m. Khi có mưa lớn dài ngày nơi này sẽ tạo thành hồ nước sâu rất nguy hiểm.

Theo người dân sinh sống gần hiện trường vụ việc, sau khi khai thác rừng keo 4 – 5 năm tuổi, một số hộ đã bán đất rừng cho người khác với giá khoảng 140 triệu đồng/ha. Sau đó những người thu mua đất rừng đưa nhân lực, phương tiện đến đào đất rừng rồi vận chuyển đi nơi khác để bán. Thời gian qua nhiều ô tô tải chở đất chạy qua đường bê tông của khu dân cư đã gây mất an toàn giao thông, khi có nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Chấp Võ Văn Tuấn xác nhận xảy ra tình trạng ồ ạt đào đất rừng thuộc Dự án trồng rừng Việt – Đức rồi vận chuyển ra khỏi địa bàn đem bán. Theo ông Tuấn, trước đây một số dân có xin cải tạo đất rừng nhưng chính quyền xã không chấp thuận vì không đúng thẩm quyền. Trước Tết Dương lịch 2022 lực lượng chức năng của xã phát hiện việc đào đất rừng, đã lập biên bản, đình chỉ và yêu cầu người dân viết cam kết không đào đất rừng để bán. Tuy nhiên lợi dụng dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022, các đối tượng lại ồ ạt đào đất rừng bán. Ông Tuấn cũng thừa nhận, để xảy ra sự việc này cũng do có sự buông lỏng và lơ là trong quản lý tài nguyên đất của chính quyền địa phương.

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Linh, đơn vị đã kiểm tra hiện trường và tiến hành lập biên bản vụ việc, bước đầu xác định tổng diện tích đất bị đào lên đến khoảng 6.000m2 và có độ sâu bình quân tới 3m. Đơn vị đang tiến hành các thủ tục xử lý các đối tượng vi phạm theo thẩm quyền.

Theo quy định của pháp luật, trong quá trình sử dụng thì người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ đất, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, có giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Tin, ảnh: Nguyên Lý (TTXVN)
Đắk Nông: Xử phạt, buộc hoàn trả đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng trái phép
Đắk Nông: Xử phạt, buộc hoàn trả đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng trái phép

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp lấn chiếm đất rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) với tổng số tiền 100 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN