Thực tế, cứ vào dịp Tết hàng năm, các lực lượng chức năng liên tục ra văn bản chỉ đạo ngăn chặn việc mua bán trái phép pháo nổ, đồng thời bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển, tiêu thụ pháo lậu song tình trạng đốt pháo lậu vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Để thực hiện tốt công tác chống mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ đòi hỏi UBND các cấp phối hợp lực lượng chức năng trong việc quản lý chặt tình trạng trên tại địa bàn, qua đó hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm.
Theo ông Nguyễn Công San, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nguyên nhân khiến hoạt động buôn lậu pháo diễn ra mạnh mẽ dịp cuối năm bởi đây là mặt hàng thu lãi cao.
Tại Trung Quốc, một bánh pháo hoa chỉ từ 10 - 15 Nhân dân tệ (tương đương 35.000 - 45.000 đồng), những quả pháo trứng ở bên kia biên giới có giá 5.000 - 7.000 đồng, nhưng khi được vận chuyển trót lọt về Việt Nam, mỗi kg pháo có thể thu lời rất cao.
Vụ việc điển hình ngày 25/12/2018, tại điểm giao nhận hàng của bưu cục Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra ô tô biển kiểm soát 29KT- 007.13 đã phát hiện 23kg pháo lậu cất giấu trong các bao hàng quần áo.
Trước đó, ngày 16/11/2018, tại đường Võ Nguyên Giáp (huyện Sóc Sơn), lực lượng chức năng kiểm tra xe taxi và phát hiện trên xe đang vận chuyển 19 kg pháo nổ, 197 kg pháo hoa từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ.
Ngoài ra, một số đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để chào bán pháo nổ một cách công khai. Theo đó, chỉ cần lướt một số trang mạng mua bán online dễ dàng tìm được thông tin rao bán pháo nổ. Lần theo tài khoản “Trang Đình Giang” trên Facebook, phát hiện tài khoản này rao bán công khai nhiều loại pháo khác nhau, kèm theo hình ảnh chi tiết cho từng loại. Chủ tài khoản cho biết, khách hàng ở xa sẽ được hỗ trợ giao hàng với đơn hàng dưới 2 triệu đồng, giá ship (vận chuyển) là 100.000 đồng, trên 2 triệu đồng sẽ được giao hàng miễn phí.
Thực tế cho thấy, việc đấu tranh, xử lý hoạt động mua bán pháo nổ trái phép hiện nay đang gặp không ít khó khăn do Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 quy định “kinh doanh pháo nổ” là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn việc kinh doanh các loại pháo khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo hoa là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, không xem xét trách nhiệm hình sự nhưng loại pháo này xét về tính chất, mức độ nguy hiểm tương tự pháo nổ. Vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh, mua bán trái phép pháo công khai trên không gian mạng.
Nhằm ngăn chặn việc mua lậu pháo nổ dịp Tết Kỷ Hợi, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 6269/UBND-KT và Chỉ thị số 14/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo tại Hà Nội.
Theo đó, UBND thành phố giao Công an Hà Nội xây dựng kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo. Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tập trung phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo.