Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chọn chủ đề Năm An toàn giao thông quốc gia 2020 là “Đã uống rượu bia - không lái xe” để thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, cũng như Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW và đặc biệt là đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật, chỉ trong vòng 4 tháng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành xây dựng, ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2020. Đây là quy định pháp luật được triển khai nhanh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó chủ đạo là lực lượng Cảnh sát giao thông.
Xử lý hơn 110.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tính sơ bộ trong 8 tháng qua, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 110.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 746 trường hợp dương tính với ma túy.
Thực hiện Nghị định số 100, lực lượng Cảnh sát giao thông đã ra quân quyết liệt, tạo sự tác động, làm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, trong vòng ba tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày có 500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý. So với những năm trước, kết quả tăng không cao, nhưng ý thức người dân có sự chuyển biến do mức xử phạt tăng cao và diện mở rộng. Ví dụ, trước đây điều khiển mô tô còn có thể có lượng cồn tối thiểu dưới 0,25 miligam/l khí thở, nhưng giờ đây đã điều khiển phương tiện là không được sử dụng rượu, bia.
Nghị định 100 đã thực sự đi vào đời sống
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 8 tháng năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/8/2020), toàn quốc xảy ra 9.170 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.342 người, bị thương 6.727 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 2.161 vụ (giảm 19,07%), số người chết giảm 754 người (giảm 14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (giảm 21,66%).
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, đạt được những kết quả trên một phần lớn do việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả Nghị định số 100.
“Mặc dù, những ngày đầu Nghị định gây xôn xao dư luận, nhưng chỉ sau hơn một tuần, từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng đến miền núi, Nghị định số 100 đã thực sự đi vào đời sống và đạt kết quả tốt”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, người dân hiểu rằng đã uống rượu, bia thì không lái xe, từ đó hình thành một nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông. Nhiều người đã quay sang sử dụng phương tiện công cộng, taxi, xe ôm... sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Quốc hội và người dân đã đánh giá đúng mức những tác hại nghiêm trọng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có nhiều cuộc làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an để giám sát và thấy rằng, luật đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực đến ý thức xã hội trong việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông.
Cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức
Điểm nổi bật của Nghị định số 100 so với các nghị định, quy định khác trước đây trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông là bổ sung, mô tả, làm rõ hơn các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi trực tiếp là nguyên nhân xảy ra các tai nạn giao thông. Thực tế có thể thấy, việc nâng mức xử phạt đã tạo sự răn đe, lời cảnh báo có sức nặng đối với người có ý định vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, bên cạnh mức xử phạt nặng, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định số 100 tiếp tục phát huy hiệu quả và để trật tự an toàn giao thông được đảm bảo một cách bền vững thì điều cốt yếu là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về giao thông của các tầng lớp nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, các cơ quan chức năng đang làm rất tốt, song mới chỉ tuyên truyền theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu, chưa tập trung vào đối tượng điều chỉnh trực tiếp của pháp luật.
Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để tuyên truyền hiệu quả? Liên quan tới vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi nêu 4 giải pháp, trong đó tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng vùng miền, khu vực dân cư; tập trung tuyên truyền tới những đối tượng có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền, song cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của toàn xã hội; kiểm tra, thanh tra, giám sát xử lý các hành vi vi phạm, đánh vào kinh tế để hướng tới sự thay đổi hành vi của người dân.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2019-2021 về công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật an toàn giao thông. Theo đó, tập trung vào các nhóm đối tượng: điều khiển mô tô, xe khách, xe tải và container.
“Đối với những nhóm này, chúng tôi không tuyên truyền theo tiểu tiết, chương, điều khoản nữa mà tập trung tuyên truyền kỹ năng tham gia giao thông an toàn nhất. Ví dụ trong đô thị là tập trung chấp hành đèn tín hiệu; tư duy xếp hàng, phải nhường nhịn khi đến ngã 3, ngã 4 chứ không phải tư duy điền vào chỗ trống”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói và cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ đồng loạt tập trung vừa xử lý, vừa tuyên truyền để nâng cao hiệu quả. Khi người dân vi phạm, cán bộ Cảnh sát giao thông sẽ hướng dẫn để người dân đi lại cho đúng, an toàn.