Theo đánh giá của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất với 1,8 triệu người mắc mới mỗi năm trên toàn thế giới và 1,6 triệu người tử vong do căn bệnh này. Hiện tỷ lệ bệnh cao nhất ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Tình trạng ung thư phổi có khả năng diễn biến nghiêm trọng hơn, cụ thể mỗi năm có thể có đến 10 triệu trường hợp tử vong và 15 triệu trường hợp mắc mới. Riêng tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 ca tử vong do ung thư phổi, ước tính đến năm 2020 con số sẽ tăng lên đến 34.000 ca.
Các chuyên gia đang thảo luận về giá trị y khoa của Dấu ấn ung thư. Ảnh; CTV |
Thuốc lá được biết đến như là nguyên nhân chính gây nên ung thư phổi. Tuy nhiên, theo thống kê, có đến 270.000 ca mắc mới hàng năm có thể liên quan đến những yếu tố khác như bức xạ, nguy cơ từ bệnh nghề nghiệp đối với người làm việc trong một số ngành nhất định có rủi ro cao tiếp xúc với các chất gây ung thư, ô nhiễm không khí ở các khu vực thành thị, ô nhiễm không khí trong các khu vực đóng kín thường xuyên có việc sử dụng các chất đốt cháy như than đá, củi gỗ… nhưng thiếu hệ thống thông gió hiệu quả.
Để giúp bệnh nhân có thể phát hiện bệnh ung thư sớm cũng như quản lý bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, từ ngày 22 -24/4 Công TNHH Roche Việt Nam và các cơ quan y tế đã cùng tổ chức Hội thảo cập nhập và trao đổi kiến thức giữa các chuyên gia trong ngành về xét nghiệm dấu ấn ung thư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Gần 500 bác sỹ, chuyên gia trên cả nước cùng sự tham gia của PGS.TS. Rafael Molina Porto, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học Quốc tế; PGS. TS.Hoàng Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Hóa sinh Y học Việt Nam; GS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai; TS. BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi những giải pháp để ngăn ngừa, phát hiện bệnh ung thư sớm, quản lý bệnh ung thư đúng cách…
Bởi theo các bác sĩ, hiện vẫn còn nhiều thách thức trong việc quản lý các bệnh nhân ung thư phổi, từ chẩn đoán sớm đến theo dõi điều trị. Trong đó, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết mô là những công cụ chẩn đoán chính đang được các bác sĩ lâm sàng sử dụng để chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, có thể sẽ có những khó khăn trong việc lấy mẫu để làm xét nghiệm, hơn nữa đôi khi những mô này ở vị trí rất khó lấy mẫu cho chẩn đoán rõ ràng thông qua hình ảnh.
Vì thế, dấu ấn ung thư (là những dấu ấn sinh học có nguồn gốc protein) đang được các bác sĩ chuyên ngành đánh giá đem lại hiệu quả tích cực nhất hiện nay. Trên thực tế, dấu ấn ung thư đã được biết đến trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời cũng được đưa vào trong hướng dẫn thực hành lâm sàng về ung thư phổi ở một số quốc gia để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị.
Theo đó, phương pháp “Xét nghiệm Dấu ấn sinh học” có thể giúp chẩn đoán bệnh ung thư từ giai đoạn sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc khi phát hiện bệnh vào giai đoạn quá muộn.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc BV Bạch Mai, chia sẻ: “Trong quản lý bệnh ung thư phổi, việc bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng. Xét nghiệm Dấu ấn ung thư sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán sớm cùng với chẩn đoán hình ảnh và giúp theo dõi điều trị một cách hiệu quả, mang đến các giá trị y khoa cho cả bác sỹ lẫn bệnh nhân, và giảm gánh nặng y tế cho xã hội. Người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao để có được tư vấn y khoa kịp thời, đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mình”.
Ông Rod Ward, Tổng Giám đốc Roche Việt Nam, kỳ vọng kết quả chẩn đoán tin cậy – Dấu ấn ung thư sẽ là chìa khóa giúp điều trị bệnh thành công.