WHO, UNICEF kêu gọi Việt Nam tăng cường thực thi quy định về bổ sung vi chất vào thực phẩm

Ngày 1/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ra tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ và các cơ quan quản lý của Việt Nam tăng cường thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn, sử dụng muối i-ốt và bột mì đã bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm.

Chú thích ảnh
Cho trẻ uống vitamin A tại trạm y tế phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Ảnh tư liệu: Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nghị định trên phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, cũng như cho thấy cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, WHO và UNICEF nhận thấy Nghị định chưa được thực hiện đầy đủ sau hơn 5 năm ra đời, mặc dù tăng cường vi chất vào thực phẩm, bao gồm cả việc sử dụng nguyên liệu đã được bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm, vốn là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Hai cơ quan nhấn mạnh bổ sung vi chất vào thực phẩm góp phần tạo ra một lực lượng dân số khỏe mạnh và thông minh sẽ đóng góp nhiều lợi ích hơn cho xã hội và sự phát triển của quốc gia. Thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ. Thiếu sắt làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.

Theo báo cáo năm 2021 của Mạng lưới toàn cầu về phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.

Kết quả cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2019 do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) tiến hành đã chỉ ra rằng mức độ i-ốt niệu trung vị của nhóm phụ nữ có thai, giảm từ mức 122 µg/L năm 2006 xuống 83 µg/L năm 2009 và giữ nguyên ở mức rất thấp 83.4 µg/L vào năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu toàn cầu là 150µg/L mà họ cần có. Ngoài ra, cuộc Tổng điều tra cũng cho thấy chỉ còn 30% hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Điều này thực sự đáng báo động.

Cuộc Tổng điều tra còn chỉ ra tình trạng thiếu kẽm ở mức độ trầm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở nhóm phụ nữ mang thai là 63% và trẻ em dưới 5 tuổi là 58%. Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi là 53.2% và phụ nữ có thai là 50.3%.

WHO đã khuyến cáo toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường i-ốt như là chiến lược hiệu quả và an toàn để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra. Việc bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến và các loại gia vị mặn, dầu ăn và bột mì, đã được toàn cầu ghi nhận và là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đổi thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia. Đã có các chứng cứ khoa học trên toàn cầu về việc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm không gây ra các tác động bất lợi nào tới màu, mùi và vị của thành phẩm.

Dựa vào khuyến cáo của WHO, số nước có quy định bắt buộc bổ sung vi chất vào muối ăn, bột mì và dầu ăn lần lượt là 126, 90 và 33.  Đặc biệt trong 126 quốc gia đang bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối ăn, có 114 nước yêu cầu dùng muối đã bổ sung i-ốt cho thực phẩm chế biến. Ở khu vực châu Á, 17 quốc gia có quy định bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bột mì; 7 quốc gia bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào dầu ăn và 35 quốc gia có quy định bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối, trong đó có 29 quốc gia yêu cầu muối sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là muối đã bổ sung i-ốt.  

Các bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi 1 USD đầu tư bổ sung i-ốt vào muối và tăng cường vi chất vào bột mì sẽ cho lợi nhuận hơn 10 USD. Bổ sung vi chất vào thực phẩm mặc nhiên là phải mất thêm chi phí, nhưng tất cả các doanh nghiêp sẽ cạnh tranh với chi phí gia tăng giống nhau khi bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Quy định bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là tạo ra công bằng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các chuẩn mực giống nhau cần yêu cầu cho tất cả các sản phẩm liên quan nhập khẩu vào Việt Nam.

WHO và UNICEF khuyến cáo mạnh mẽ các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện nghiêm Nghị định số 09/2016/NĐ-CP. Các doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm cần được hỗ trợ với các quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện Nghị định và sử dụng nguyên liệu đã bổ sung vi chất để chế biến thực phẩm. Ở Việt Nam, phần lớn nguồn muối và bột mì được tiêu thụ là từ thực phẩm chế biến và bữa ăn ngoài gia đình.

Theo WHO và UNICEF, việc tăng cường thực thi các quy định của Chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển nguồn vốn con người của Việt Nam và phù hợp với chủ trương của Liên hợp quốc về Thập kỷ Hành động vì Dinh dưỡng. "Chúng tôi với tư cách là thành viên của Liên hợp quốc, một lần nữa khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ các đường hướng của Chính phủ liên quan tới quản trị tốt, công bằng và hòa nhập, hỗ trợ Chính phủ để đạt được các ưu tiên phát triển của quốc gia", tuyên bố chung của WHO và UNICEF khẳng định.

TTXVN/Báo Tin tức
Các chuyên gia dinh dưỡng nói gì về bổ sung vi chất cho sữa học đường
Các chuyên gia dinh dưỡng nói gì về bổ sung vi chất cho sữa học đường

Ý kiến từ đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia và chuyên gia dinh dưỡng cho thấy việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường theo Thông tư của Bộ Y tế mới ban hành là rất cần thiết. Các câu hỏi được đặt ra xoay quanh nội dung này đều được các chuyên gia dinh dưỡng giải đáp thỏa đáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN