'Vỡ trận' vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Trước thực trạng bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêm vắc xin TD phòng bệnh bạch hầu của người dân ở huyện Đăk Tô tăng cao. Những ngày gần đây, các điểm tiêm dịch vụ ở Trung tâm y tế huyện Đăk Tô như “vỡ trận” vì thiếu vắc xin.

Chú thích ảnh
Các ca bệnh bạch hầu điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Bác sỹ A Nhôm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cho biết, mỗi ngày có khoảng 400 người xếp hàng tiêm vắc xin dịch vụ phòng bệnh bạch hầu tại trung tâm.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, trung tâm đã tăng cường cán bộ, mở thêm điểm tiêm để phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện nhất. Ngoài điểm tiêm cố định tại phòng số 4 của trung tâm với 5 cán bộ thường trực, trung tâm cũng đã bố trí thêm 2 điểm tiêm tại khoa Đông y, khoa Sản của trung tâm nhằm giảm tải cho phòng tiêm chính.

Đến hết ngày 28/11, trung tâm đã cung ứng được gần 5.000 liều vắc xin, số vắc xin còn lại chỉ còn khoảng 500 liều, khó đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

“Lượng vắc xin hiện không đáp ứng đủ nhu cầu. Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô đã tiếp tục đặt vắc xin tiêm cho người dân nhưng lượng thuốc phụ thuộc vào đơn vị cung cấp thuốc. Ngoài tiêm dịch vụ, trung tâm còn triển khai tiêm miễn phí cho các đối tượng từ 7 - 25 tuổi ở nơi có ca bệnh bạch hầu. Ngành Y tế đã tổ chức tiêm phòng ở xã Đăk Trăm, Kon Đào, Pô Kô và trường Dân tộc nội trú tỉnh; hiện, đang tiến hành tiêm phòng vắc xin tại xã Văn Lem”, bác sỹ A Nhôm cho biết thêm.

Ở một số điểm trường, nhu cầu tiêm vắc xin TD phòng bệnh bạch hầu cũng tăng cao nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

Theo thầy Ngô Đình Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, huyện Đăk Tô cho biết: Nhà trường  đã chủ động làm việc với Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô để xin nguồn thuốc tiêm phòng cho các em học sinh. Tuy nhiên đến nay Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô vẫn chưa có thuốc để đáp ứng. Trước mắt, các thầy, cô giáo trong quá trình giảng dạy, nếu nhận thấy có học sinh bị ho, sốt, đau họng sẽ thực hiện cách ly, đưa các em đi khám sớm. Ngoài ra, trường cũng khuyến cáo các em học sinh vệ sinh sạch sẽ thân thể, chân, tay.

Trước sự quá tải tại Trung tâm y tế, người dân huyện Đăk Tô đã liên hệ các điểm y tế khác trong tỉnh để tiêm phòng vắc xin TD phòng bệnh bạch hầu. Ngành Y tế Đăk Tô tiếp tục tuyên truyền cho người dân về các triệu chứng của bệnh bạch hầu, nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng dịch để người dân tự giác và chủ động phòng chống bệnh.

Ngoài ra, trạm y tế của các xã trong huyện triển khai khám tầm soát những đối tượng nghi mắc bệnh bạch hầu; kiểm tra, rà soát toàn bộ trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ vắc xin để tiến hành tiêm vét, tiêm bổ sung…

Từ đầu năm 2018 đến nay, tại tỉnh Kon Tum liên tiếp xuất hiện 7 trường hợp bị bệnh bạch hầu khiến 2 người chết, trong đó huyện Đăk Tô là một "trung tâm" của bệnh.

Vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, cộng với tập quán sinh hoạt tập trung của đồng bào là môi trường dễ lây lan, phát tán mầm bệnh.

Trước thực tế đó, ngành Y tế tỉnh Kon Tum chú trọng công tác giám sát chặt chẽ các ổ bệnh, thực hiện khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Cao Nguyên (TTXVN)
Hà Nội sẽ tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ dưới 5 tuổi
Hà Nội sẽ tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ dưới 5 tuổi

Trong 2 tháng cuối năm 2018, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố theo hình thức tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo. Đây là một hoạt động trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho hơn 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN