Virus gây viêm phổi HMPV tại Trung Quốc có nguy hiểm? phòng ngừa thế nào?

Liên quan đến thông tin về Human Metapneumovirus (HMPV) gây viêm phổi tại Trung Quốc, các chuyên gia y tế nhận định đây không phải virus mới. HMPV có khả năng gây bệnh thấp, mức độ lây lan hạn chế. Người dân không nên hoang mang nhưng cần chú ý các biện pháp phòng bệnh.

Virus HMPV đã từng xuất hiện tại Việt Nam

Ngày 7/1, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, HMPV là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em, đã được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh năm 2023 và 2024, nhưng với tỷ lệ thấp (12,5%). Các tác nhân phổ biến hơn gồm rhinovirus (44,6%), RSV (41,1%), cúm A (25%).

Chú thích ảnh
Virus HMPV là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em và đã được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh.

Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại thành phố năm 2024 ghi nhận, số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 đến 18.000 ca mỗi tháng trong 8 tháng năm 2024 và gia tăng vào 3 tháng cuối năm do thời tiết chuyển lạnh. Mặc dù số ca bệnh tăng, nhưng hiện chưa có dấu hiệu bất thường về số ca mắc, hoặc tình trạng bệnh nặng tại các bệnh viện.

Về tác nhân gây bệnh, báo cáo từ chương trình nghiên cứu viêm phổi cộng đồng, hợp tác giữa Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và các đơn vị y tế, các tác nhân chính vẫn là virus và vi khuẩn phổ biến.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm từ 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (bao gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024,  HMPV chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5% ở trẻ em). Các tác nhân phổ biến hơn ở trẻ em gồm vi khuẩn H. influenzae (71,4%), S. pneumoniae (42,9%), virus cúm A (25%), rhinovirus (44,6%) và  RSV (41,1%) ...

Ngoài ra, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp, trong đó tác nhân HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%. 

Chú thích ảnh
Số trẻ mắc bệnh hô hấp trong 3 tháng cuối năm tại TP Hồ Chí Minh tăng cao.

Theo PGS.TS. BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, HMPV không phải là một loại virus mới. Virus này được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001 tại Hà Lan.

HMPV đã được ghi nhận là tác nhân gây nhiễm trùng hô hấp cấp tính phổ biến hàng thứ hai, sau RSV (virus hợp bào hô hấp) ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các phòng khám ngoại trú ở Hoa Kỳ. Virus này cũng đã được phát hiện gây bệnh viêm hô hấp cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi tại nhiều quốc gia tiên tiến như Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc. Ngoài ra, HMPV cũng được ghi nhận tại các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan, Hồng Kông và gần đây là Trung Quốc (từ giữa tháng 12/2024). 

Tốc độ lây lan của virus HMPV yếu hơn SARS-CoV-2

So sánh tốc độ lây lan giữa HMPV và SARS-CoV-2, PGS.TS. BS Đỗ Văn Dũng giải thích rằng cả hai đều là virus RNA chuỗi đơn, nhưng có sự khác biệt về cấu trúc: HMPV thuộc nhóm chuỗi đơn âm (negative-sense RNA), SARS-CoV-2 thuộc nhóm chuỗi đơn dương (positive-sense RNA). Sự khác biệt này khiến hai virus thuộc hai ngành (phylum) sinh vật khác nhau và có cơ chế hoạt động sinh học không giống nhau.

Về tốc độ lây lan, SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh và rộng hơn nhiều so với HMPV. Trong khi tỷ suất tái tạo cơ bản (R0) của HMPV là 2, thì SARS-CoV-2 có thể đạt mức 5 hoặc cao hơn, đặc biệt với các biến chủng như Delta. Điều này khiến HMPV có mức độ lây lan hạn chế hơn và thường xuất hiện vào cuối mùa đông, trong khi SARS-CoV-2 có khả năng gây dịch ở bất kỳ mùa nào, với tốc độ lan truyền nhanh, đủ khả năng tạo thành đại dịch toàn cầu.

Chú thích ảnh
Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn là biện pháp phòng bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Theo PGS.TS. BS Đỗ Văn Dũng, về triệu chứng lâm sàng, HMPV thường gây sốt nhẹ, chảy mũi, đau họng, ho, thở rít; trong khi đó, bệnh COVID-19 gây các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu và các vấn đề hô hấp có thể tiến triển thành suy hô hấp gây tử vong.

PGS. Dũng nhận định: "HMPV có mức độ nguy hiểm thấp hơn COVID-19. Virus này chỉ đáng quan ngại khi xảy ra ở trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người có bệnh nền. Còn COVID-19 có thể gây tử vong ở mọi lứa tuổi".

Những so sánh trên cho thấy, HMPV dù có thể gây viêm hô hấp, không mang lại mức độ đe dọa nghiêm trọng như SARS-CoV-2 và không cần thiết phải quá lo lắng, nhưng vẫn cần chú trọng phòng ngừa ở các nhóm nguy cơ cao.

Theo ngành y tế, HMPV lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bề mặt nhiễm virus, với nguy cơ gia tăng cao trong mùa đông và đầu mùa xuân. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, sốt; trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây viêm phổi nặng.

Hiện tại, HMPV chưa có vaccine phòng ngừa hoặc thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế là rất quan trọng.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng cho biết, dù HMPV chưa có vaccine, virus này có mức độ lây lan thấp và khả năng gây bệnh nặng không cao, nên người dân không cần quá lo ngại. Việc phòng ngừa HMPV tương tự các biện pháp phòng các bệnh lý hô hấp như cảm lạnh và cúm, bao gồm: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn; hạn chế sờ tay lên mặt để tránh đưa virus vào cơ thể; giữ không gian thông thoáng, tránh chỗ đông người; đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với người khác; ở nhà nếu có triệu chứng hô hấp và đến khám bác sĩ nếu có nguy cơ bệnh nặng.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, không nên chủ quan trước các diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra. Các đơn vị y tế đã được chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, triển khai kiểm dịch tại sân bay và cảng biển để phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát dịch tễ nội địa tiếp tục được thực hiện, bao gồm: Giám sát số ca viêm hô hấp, viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện; theo dõi các tác nhân gây viêm hô hấp; phát hiện và xử lý kịp thời chùm ca bệnh trong trường học, nhà máy, hoặc cộng đồng.

Những biện pháp này nhằm đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả và giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Kiểm soát chặt các nguy cơ bùng phát dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán
Kiểm soát chặt các nguy cơ bùng phát dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, đến đầu tháng 1/2025, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 334 ca nghi mắc sốt xuất huyết, 185 ca tay chân miệng, 3 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn (trong đó có 2 trường hợp tử vong), 3 ca mắc bạch hầu, 64 trường hợp mắc bệnh ho gà...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN