Đây là trung tâm thứ 2 tại Việt Nam thực hiện được kỹ thuật này và được xem là bước tiến lớn của ngành Y tế Việt Nam khi đã làm chủ được kỹ thuật thay van tim hiện đại nhất thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, từ cuối năm 2015 Trung tâm Tim mạch của bệnh viện bắt đầu thực hiện kỹ thuật TAVI đối với bệnh nhân hẹp van động mạch chủ. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, đơn vị này đã thực hiện thành công 15 trường hợp hẹp van tim bằng kỹ thuật này.
“Trong 3 năm chúng tôi đã chuẩn bị và hoàn chỉnh về nhân sự, phương tiện để có thể đảm đương một cách độc lập mà không cần sự trợ giúp của các chuyên gia bạn. Bệnh viện đã thành lập một ê-kíp đa chuyên khoa để phát triển kỹ thuật TAVI bao gồm bác sỹ tim mạch can thiệp, phẫu thuật viên tim mạch, bác sỹ gây mê hồi sức, bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng, kỹ thuật viên phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau”, Phó Giáo sư Trương Quang Bình cho hay.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây với những trường hợp người bệnh bị hẹp van động mạch chủ nặng thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật mở ngực.
Đây là một cuộc phẫu thuật lớn (phải mở lồng ngực và dùng máy tim phổi nhân tạo), thường kéo dài từ 3-4 giờ, thời gian nằm viện khoảng 2 tuần, sau 1-2 tháng mới hồi phục. Những người bệnh cao tuổi, có kèm các bệnh lý khác như bệnh phổi, bệnh thận, bệnh gan… khó có khả năng chịu đựng được những phẫu thuật như vậy.
Trong khi đó, với kỹ thuật TAVI, người bệnh sẽ được gây tê khi thực hiện kỹ thuật thay cho gây mê. Bác sỹ dùng ống thông đi qua động mạch đùi để vào bên trong tim. Bên trong ống thông có một van tim nhân tạo được để sẵn, khi ống thông và van tim nhân tạo vào đúng vị trí thì van nhân tạo này sẽ được bung ra thay thế cho van động mạch chủ cũ bị hẹp.
Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da được nghiên cứu và ứng dụng trong thực hành lâm sàng ở các nước tiên tiến từ khoảng 20 năm trước và nay đã trở nên phổ biến trên thế giới.
Tại Việt Nam, kỹ thuật này mới được ứng dụng trong những năm gần đây và hiện chỉ có 2 trung tâm (gồm Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park TP Hồ Chí Minh) có thể thực hiện được độc lập mà không cần sự can thiệp, trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Đây được xem là bước tiến mới của ngành Y tế Việt Nam tiệm cận với sự tiến bộ của y học thế giới.