Việt Nam đề xuất nhiều phương án hỗ trợ Lào chống dịch COVID-19

Ngay sau khi đặt chân đến Lào, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Bộ Y tế họp với Đoàn chuyên gia hỗ trợ Lào chống dịch COVID-19. Ảnh: BYT

Sau khi ban hành Quyết định 2321/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc cử đoàn đi Lào với nhiệm vụ “hỗ trợ Lào trong công tác xây dựng bệnh viện dã chiến, công tác điều trị, công tác xét nghiệm, truy vết nhằm giúp nước này ứng phó với dịch COVID-19”; trong những ngày vừa qua, các chuyên gia Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với Lào để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngay sau khi đặt chân đến Lào, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong các ngày từ 11- 13/5, Đoàn đã có buổi làm việc tại Sở Y tế tỉnh Champasak, nghe báo cáo tình hình dịch bệnh tại tỉnh Champasak, đồng thời thảo luận về các biện pháp đã và đang triển khai phòng chống dịch của tỉnh; thảo luận về các vấn đề nhập cảnh, cách ly; chia sẻ kinh nghiệm, bài học từ đáp ứng phòng chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; kinh nghiệm xét nghiệm trong cộng đồng của Việt Nam…

Lào đang thực hiện phong tỏa theo chỉ thị 15 của Chính phủ, tỉnh cách ly tỉnh, huyện cách ly huyện, làng cách ly làng.

Trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp tại tỉnh Champasak của Lào, Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam đã được chia làm 2 tổ: Tổ Dự phòng do Ths.BS Nguyễn Công Khanh, tổ trưởng chịu trách nhiệm về giám sát dịch tễ, truy vết, xác định đối tượng cách ly, công tác xét nghiệm, tiêm chủng vaccine, vệ sinh môi trường; Tổ quản lý điều trị do TS.BS Vương Ánh Dương, tổ trưởng chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh phòng chống COVID-19; năng lực điều trị, quản lý ca bệnh COVID-19.

Tổ quản lý điều trị đã thực tế và khảo sát tình hình tại các bệnh viện bao gồm: Bệnh viện đa khoa Champasak (Thành phố Pacse); Bệnh viện Phonthong (Huyện Phonthong); Bệnh viện dã chiến Thành phố Pacse; Bệnh viện 106 Thành phố Pacse về kế hoạch đáp ứng khi có dich bệnh COVID-19 xảy ra trong bệnh viện; công tác sàng lọc phân luồng cách ly bệnh nhân điều trị; công tác chẩn đoán, hướng dẫn điều trị và phương pháp điều trị hiện tại đang áp dụng…

Tổ dự phòng đã khảo sát tình hình thực tế tại làng Phonesavanh nơi có nhiều ca bệnh cộng đồng, khảo sát tại một số cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xét nghiệm, cơ sở tổ chức tiêm chủng….

Qua khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, Đoàn chuyên gia Bộ Y tế Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của lực lượng y tế của Lào đã triển khai đồng loạt các hoạt động phòng, chống dịch. Đoàn cũng đã đề xuất các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn nữa.

Đối với công tác điều trị, Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã đề xuất và hướng dẫn các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch chung của ban chỉ đạo phòng chống dịch, có các phương án đáp ứng tương ứng với các cấp độ dịch xảy ra; cổng bệnh viện cần có bảng cảnh báo nơi điều trị COVID-19 để người dân không tự ý vào và có chăng dây vàng chắn trước cổng bệnh viện; lắp đặt camera giám sát ở bệnh phòng và cổng viện để thuận tiện theo dõi bệnh nhân và giám sát khi người dân tự ý ra vào bệnh viện; lập các bốt canh tại cổng bảo vệ để kiểm soát người ra vào và trong trường hợp khẩn cấp có thể hướng dẫn phân luồng; trang bị các bình phun khử khuẩn cho các ôtô đến, đi và đưa bệnh nhân ra khỏi bệnh viện; phân luồng chỉ dẫn chi tiết để xe cấp cứu có thể theo chỉ dẫn chuyển bệnh nhân vào khu điều trị…

Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng đề xuất địa phương cần kết nối hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến để kết nối hội chẩn với các đơn vị bệnh viện tỉnh khác và báo cáo kết quả hàng ngày; cần tăng cường nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19, có hướng dẫn xử lý nhiễm khuẩn với những hồ sơ bệnh án điều trị bệnh nhân COVID-19…

Đoàn chuyên gia Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất và chia sẻ các giải pháp để nâng cao năng lực xét nghiệm như: Xét nghiệm mẫu gộp để tăng công suất và số lượng mẫu được xét nghiệm; tập huấn cho các thành viên tổ giám sát COVID-19 tại thôn, làng về các quy trình giám sát và theo dõi các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong vùng được cách ly. Đông thời đề xuất địa phương thành lập và tập huấn các tổ COVID-19 trong thôn, xóm tại mỗi làng; phát triển và sử dụng các tờ rơi về phòng chống bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế Lào và hướng dẫn cụ thể cho các nhóm đối tượng giám sát và nguy cơ; lưu trữ thông tin các trường hợp được tiêm vaccine COVID-19 tại làng để truyền thông tăng cường công tác tiêm chủng và giám sát các trường hợp được tiêm vaccine; tăng cường công tác giám sát hỗ trợ của tỉnh và thành phố tại các khu vực cách ly cộng đồng và giám sát tại cộng đồng….

Theo đó, trong ngày 14- 15/5, Đoàn chuyên gia Bộ Y tế sẽ tiếp tục khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương đã được Hai bên thống nhất lên kế hoạch làm việc. Dự kiến trong ngày 15/5, Đoàn sẽ tổ chức hội thảo với lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo, một số cán bộ chuyên môn của các cơ sở y tế mà Đoàn đã đến thăm và làm việc. Đồng thời làm việc với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Champasak để chia sẻ các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho người nhập cảnh; các biện pháp phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng; các biện pháp truyền thông phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn quy trình xử lý hồ sơ bệnh án; tiêu chuẩn ra viện cho bệnh nhân đang nằm điều trị COVID-19…

 

PV
Lào và Philippines tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới 
Lào và Philippines tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới 

Ngày 12/5, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 55 ca mắc mới COVID-19 tại 3/18 tỉnh thành trên cả nước trong vòng 24 giờ qua. Ngoài 21 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở tỉnh Champasak ở miền Nam, số còn lại đều là các ca lây nhiễm cộng đồng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN