Vaccine HPV - chìa khóa 'xóa sổ' ung thư cổ tử cung

Một nghiên cứu khoa học mới công bố ngày 20/2 chỉ ra việc đẩy mạnh tiêm phòng vaccine HPV có thể giúp loại bỏ hầu hết bệnh ung thư cổ tử cung ở một số nước có thu nhập cao trong vòng 3 thập kỷ tới, và ở phần lớn các quốc gia trên thế giới tính đến cuối thế kỷ này.

Chú thích ảnh
Đẩy mạnh tiêm phòng vaccine HPV có thể giúp loại bỏ hầu hết bệnh ung thư cổ tử cung. Ảnh: bbc.com

Báo cáo trên tạp chí y học Lancet Oncology chỉ ra nếu không được sàng lọc và tiêm phòng vaccine HPV, trên 44 triệu phụ nữ sẽ mắc căn bệnh này trong 50 năm tới. Trong đó, ước tính có khoảng 70% số trường hợp mắc ung thư cổ tử cung với 15 triệu ca tử vong xảy ra tại các nước có thu nhập ở mức trung bình và thấp.

Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra việc triển khai nhanh chóng dự án sàng lọc và tiêm phòng vaccine HPV từ năm 2020 có thể giúp ngăn chặn trên 13 triệu ca ung thư cổ tử cung tính đến giữa thế kỷ này, qua đó giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh xuống còn 1/25.000 phụ nữ.

Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện dựa trên giả thuyết rằng các dự án đẩy mạnh tiêm phòng vaccine HPV sẽ được bắt đầu từ năm 2020 với mục tiêu 80% nữ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 15 được tiêm phòng và ít nhất 70% phụ nữ được sàng lọc ung thư 2 lần trong đời.

Theo tính toán, dự án sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh xuống dưới mức 1/25.000 ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Pháp tính đến năm 2059, và ở các nước thu nhập trung bình như Brazil, Trung Quốc đến năm 2069. Các tác giả nghiên cứu cho rằng đây là ngưỡng tiềm năng giúp xóa sổ bệnh ung thư cổ tử cung trong nhóm các thách thức y tế cộng đồng lớn.

Tác giả nghiên cứu Karen Canfell, giáo sư tại Hội đồng Ung thư New South Wales ở Sydney, Australia, cho biết dù bệnh ung thư cổ tử cung gây ra nhiều hiểm họa nhưng nghiên cứu đã chỉ ra con người hoàn toàn xóa sổ căn bệnh này trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu trên còn phụ thuộc vào quy mô của quá trình sàng lọc và tiêm phòng vaccine HPV.  

HPV là virus lây lan qua đường tình dục, có hơn 100 loại và ít nhất 14 trong số đó gây ra các bệnh ung thư liên quan đến bộ phận sinh sản và hậu môn. Đối với hệ miễn dịch thông thường, ung thư cổ tử cung mất khoảng 15 đến 20 năm để phát triển ở phụ nữ. Còn đối với hệ miễn dịch yếu, hoặc kết hợp với một số loại virus như HIV, căn bệnh này có thể phát triển nhanh hơn rất nhiều.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine HPV an toàn và hiệu quả trong việc tiêu diệt hai chủng virus HPV số 16 và 18 - là nguyên nhân gây ra tới 70% các ca ung thư cổ tử cung.

Hồi đầu tháng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo cho thấy trong năm 2018 cả thế giới ghi nhận 570.000 ca mắc ung thư cổ tử cung, đưa ung thư cổ tử cung vào nhóm 4 bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ sau ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư phổi.

Mỗi năm, ung thư cổ tử cung cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ, phần lớn là ở các quốc gia có thu nhập thấp.
Minh Tuấn (TTXVN)
Chuyên gia quốc tế khẳng định vaccine HPV không gây hại​
Chuyên gia quốc tế khẳng định vaccine HPV không gây hại​

Cơ quan nghiên cứu quốc tế về bệnh ung thư (IARC) ngày 4/2 bác bỏ các "tin đồn vô căn cứ" khiến nhiều người lo ngại việc tiêm chủng vaccine HPV phòng tránh nguy cơ ung thư cổ tử cung, căn bệnh làm chết trên 300.000 phụ nữ mỗi năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN