Tăng sàng lọc, giảm tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do ung thư tại Việt Nam. Sàng lọc để phát hiện sớm và điều trị các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung là hoạt động cần sớm triển khai rộng.

Xu hướng tăng và trẻ hóa

“Ước tính tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung (UTCTC) tại Việt Nam là 13,6/100.000 dân. Như vậy, ước tính mỗi năm có khoảng 5.664 ca mắc mới”, TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, cho biết tại Hội thảo phổ biến kết quả Dự án “Tăng cường dự phòng thứ cấp UTCTC tại Việt Nam” do Bộ Y tế, Tổ chức PATH tổ chức ngày 17/5, tại Hà Nội.

Nên tiêm ngừa vắcxin phòng tránh ung thư cổ tử cung trong độ tuổi 12-13 là tốt nhất.


Theo số liệu về tỷ lệ mới mắc UTCTC tại Việt Nam, số lượng phụ nữ mắc bệnh đang có xu hướng ngày một gia tăng. Nếu giai đoạn 2001 - 2004, tỷ lệ mắc UTCTC tại Hà Nội chỉ có 9,5/100.000 dân thì giai đoạn 2004 - 2008 là 10,1/100.000 dân; các tỷ lệ tương đương với 2 mốc thời gian đó ở Cần Thơ là 20,8 và 21,5, ở Thừa Thiên - Huế là 5 và 6,1...

“Hiện nay, tử vong do UTCTC đứng thứ 4/10 loại ung thư thường gặp ở nữ giới (sau ung thư vú, đại trực tràng, phế quản phổi). Nếu người bệnh được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm thì hiệu quả điều trị sẽ đạt kết quả cao và nâng cao chất lượng sống. Bởi lẽ, nếu phát hiện ở giai đoạn 0 thì tiên lượng tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%, giai đoạn 1 còn 85%, giai đoạn 2 là 50 - 60%, giai đoạn 3 là 30% và giai đoạn 4 thì chỉ còn 5%”, TS Thuấn nhấn mạnh.
Nhưng trên thực tế đa phần người bệnh UTCTC đều chỉ đến viện khi bệnh ở giai đoạn cuối, khảo sát thực tế tại 5 trung tâm điều trị UTCTC cho thấy có tới 53,98% người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn. Kiến thức về phòng chống UTCTC của người dân rất thấp. Hoạt động sàng lọc còn nhỏ lẻ ở một số tỉnh, thành phố.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: “Bệnh nhân UTCTC không chỉ có xu hướng gia tăng mà còn có xu hướng trẻ hóa”. Nếu trước đây, độ tuổi bệnh nhân UTCTC thường tập trung vào những phụ nữ trên 40 tuổi, thì nay rất nhiều phụ nữ phát hiện bệnh ở độ tuổi ngoài 30, thậm chí mới đây PGS.TS Nguyễn Viết Tiến và đồng nghiệp còn trực tiếp mổ, điều trị UTCTC cho những thiếu nữ chưa tròn 20 tuổi.

Cần khám sức khỏe định kỳ

“Để phòng tránh UTCTC, quan trọng nhất là người dân phải đi khám sức khỏe định kỳ, các cán bộ y tế cũng cần chủ động sàng lọc, phát hiện bệnh”, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Đáng tiếc, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm cho người dân vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, thường chỉ diễn ra theo kiểu tiện thể hoặc triển khai khi có sự hỗ trợ của các dự án. Nguyên nhân do hạn chế về nguồn lực nhưng cũng do người bệnh không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ và không phải bác sĩ nào cũng cẩn trọng tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, sàng lọc UTCTC cho bệnh nhân. Việc các cán bộ y tế đánh giá bằng mắt thường với những kỹ thuật thông thường đã khẳng định ngay bệnh nhân hoàn toàn bình thường khi không thấy các khối u rất có thể sẽ làm “lọt lưới” các ca UTCTC. Nhiều trường hợp, do tuyến dưới thiếu thiết bị chẩn đoán phù hợp, khi lên tuyến trên lại phải xét nghiệm từ đầu. Thậm chí, ngay cả tại bệnh viện ở các thành phố lớn cũng không đủ cán bộ có trình độ chuyên môn để chẩn đoán và điều trị tiền ung thư.

“UTCTC là bệnh lây qua đường tình dục và tiêm vắcxin là biện pháp dự phòng tốt nhất. Bộ Y tế cũng triển khai thí điểm hoạt động tiêm phòng vắcxin ngừa UTCTC tại một số địa phương. Hiện nay, chưa thể đưa vắcxin ngừa UTCTC vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng vì phụ thuộc rất nhiều vào nguồn ngân sách. Chúng tôi đang hoàn thiện báo cáo trước khi trình Bộ Y tế về khả năng đưa vắcxin vào chương trình tiêm chủng mở rộng như thế nào và định hướng trong thời gian tới ra sao”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.

Dẫu việc triển khai tiêm phòng vắcxin UTCTC được triển khai rộng hơn thì theo đánh giá của các chuyên gia y tế, việc mở rộng sàng lọc vẫn là cấu phần quan trọng trong chiến lược dự phòng và điều trị UTCTC toàn diện (vắcxin ngừa UTCTC không thể bảo vệ được tất cả các chủng virút gây bệnh ở người).

“Bộ Y tế rất chú trọng việc mở rộng chương trình phòng, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị UTCTC. Nhưng để hoạt động này hiệu quả, cần phải triển khai theo lộ trình, tăng cường kiểm tra, giám sát xem các đơn vị tác nghiệp và đào tạo cán bộ như thế nào”, PGS. TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Để từng bước mở rộng hoạt động sàng lọc UTCTC tại các địa phương, đại diện Vụ Sức khỏe - Bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, đơn vị “chủ trì” trong việc triển khai hoạt động này, cho hay, Vụ cũng đã phối hợp với các Vụ, Cục và các BV đầu ngành (BV Phụ sản TW, BV Từ Dũ, Bệnh viện K...) để chỉ đạo, triển khai các hoạt động liên quan. Hoạt động đào tạo cho cán bộ y tế nhằm tạo sự thống nhất trong toàn quốc về sàng lọc, điều trị tổn thương tiền UTCTC cũng rất được chú trọng.

“Vấn đề khó nhất hiện nay là làm thế nào để cộng đồng tiếp cận được các dịch vụ y tế sàng lọc UTCTC tại các tuyến y tế. Chúng tôi xây dựng chương trình dự phòng đi từ thấp đến cao, vì nếu phương pháp can thiệp quá cao như ở các bệnh viện tuyến trung ương thì người dân khó có thể tiếp cận được. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng sẽ được chú trọng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc khám sức khỏe định kỳ, “kéo” người dân đến các dịch vụ y tế sàng lọc UTCTC...”, TS. Lưu Thị Hồng, Vụ phó Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, khẳng định.

Bài và ảnh: Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN