Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình chống lao Quốc gia, Việt Nam hiện là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh lao chủ yếu dựa vào cộng đồng, được mạng lưới phòng, chống lao từ Trung ương đến địa phương thực hiện, có sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Năm 2020, dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao phối hợp với Chương trình chống lao Quốc gia xây dựng hướng dẫn, quy trình kỹ thuật quốc gia nhằm đảm bảo tiếp cận xu hướng chẩn đoán, điều trị mới, nâng cao năng lực mạng lưới phòng, chống lao và hệ thống chẩn đoán. Dự án hỗ trợ 9 tỉnh ưu tiên triển khai các hoạt động cải thiện dịch vụ phát hiện lao, lao tiềm ẩn và đưa vào điều trị.
Sau 3 năm dự án triển khai tại 9 tỉnh phát hiện khoảng 15.000 người mắc lao và gần 9.000 người nhiễm lao tiềm ẩn. Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở y tế tại 9 tỉnh để chuyển giao khám chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế; hỗ trợ 74% trạm y tế xã tại 9 tỉnh thực hiện cấp phát thuốc lao, tạo điều kiện cho người bệnh nhận thuốc ngay gần nơi sinh sống. Đồng thời hỗ trợ nâng cấp hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh lao điện tử để quản lý, báo cáo tốt hơn thông tin về bệnh lao, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn.
An Giang là tỉnh có gánh nặng bệnh lao rất lớn, đặc biệt là tình hình bệnh lao và lao đa kháng thuốc, số ca mắc đứng thứ 2 cả nước, với hàng ngàn ca lao nhạy cảm, hàng trăm bệnh nhân lao đa kháng thuốc được phát hiện mỗi năm.
Năm 2020, dự án USAID hỗ trợ An Giang triển khai thí điểm chấm dứt bệnh lao tại thành phố Long Xuyên, Chợ Mới và huyện Châu Phú, giúp tầm soát được nhiều bệnh nhân lao trong cộng đồng, nhất là người có bệnh lý mạn tính. Với kết quả đạt được, năm 2021 dự án tiếp tục triển khai thêm tại hai huyện Phú Tân và Thoại Sơn.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2023, dự án USAID giúp An Giang phát hiện hơn 8.700 ca lao, trong đó, có gần 2.500 ca lao phát hiện ngoài cộng đồng, hơn 6.240 ca phát hiện tại cơ sở y tế. Hiệu suất số ca mắc bệnh lao tại An Giang phát hiện cao gấp 15 lần so với tỷ lệ mắc mới toàn quốc.
Bác sĩ Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, dự án USAID triển khai tại tỉnh giúp cải thiện hệ thống chống lao ở cơ sở y tế và cộng đồng; cải thiện hoạt động dự phòng, chẩn đoán, điều trị lao nhạy cảm cũng như lao đa kháng thuốc; tăng cường vai trò, nguồn lực địa phương đáp ứng hoạt động phòng, chống lao, bao gồm chuyển giao khám chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế.
Theo bác sĩ Phương, dự án triển khai tại An Giang là điểm sáng của Chương trình Chống lao Quốc gia và đang được nhân rộng ra cả nước. Dự án giúp tỉnh tầm soát được nhiều bệnh nhân lao để đưa vào điều trị nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghi, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Hòa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chống lao Quốc gia nhấn mạnh, phòng chống lao là nhiệm vụ phức tạp, cần sự phối hợp từ tất cả các bên liên quan. Trong đó nguồn lực địa phương đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hiệu quả, bền vững trong công tác phòng, chống lao.
Để công tác phòng, chống lao tại An Giang đạt hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Hòa đề nghị, tỉnh cần có chính sách phù hợp hỗ trợ người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn, không có thẻ bảo hiểm y tế và cán bộ y tế thực hiện công tác này...
Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, USAID tiếp tục triển khai hoạt động của dự án tại 16 tỉnh có tỷ lệ mắc bệnh lao cao vào năm 2024. Trong đó, USAID tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho An Giang trong việc phát hiện, hoàn thành điều trị bệnh lao cũng như xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh lao của tỉnh, trong đó, tập trung lấy vai trò của cán bộ và nguồn lực phòng, chống lao địa phương làm trung tâm.
Về lâu dài, bà Aler Grubbs cho biết, USAID sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 với mục tiêu giảm 90% tỷ lệ mắc mới, giảm 95% tỷ lệ tử vong do bệnh lao...