Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật mới trong chẩn đoán bệnh phục vụ nhu cầu điều trị ngày càng cao của người dân đã được giới thiệu tại Hội nghị cận lâm sàng Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 1 năm 2022, ngày 17/12.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị Khoa học cận lâm sàng Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ 1 năm 2022. 

Một trong những ứng dụng kỹ thuật mới được triển khai tại Bệnh viện Chợ Rẫy là kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới bằng phương pháp ion bán dẫn. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Hải Sơn, giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) ra đời và phát triển vài thập kỷ gần đây và đang trở nên thông dụng hơn do tính hiệu quả trong chẩn đoán đa gen, cùng một phản ứng có thể giải trình tự được nhiều gen trên nhiều bệnh nhân, giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán và tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, đặc biệt là rất hữu ích trong những trường hợp mẫu mô có kích thước nhỏ.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã được trang bị hệ thống NGS của hãng Vela Diagnostics dựa trên công nghệ Ion Torrent PGM, hay còn gọi là công nghệ ion bán dẫn với nhiều ưu điểm nổi bật như: ưu tiên giải trình tự mục tiêu có tính ứng dụng lâm sàng cao, giúp hạn chế dư thừa dữ liệu không cần thiết, đẩy nhanh quá trình giải trình tự và xử lý dữ liệu, giảm bộ nhớ lưu trữ. Thiết kế để vận hành hoàn toàn tự động bao gồm chuẩn bị thư viện, tinh sạch sản phẩm, giải trình tự và phần mềm phân tích, đọc kết quả tự động. Việc giảm thiểu sự can thiệp của con người giúp đảm bảo độ chính xác của quy trình. Thực hiện xét nghiệm trên nhiều bộ kit để chẩn đoán các bệnh lý di truyền, ung thư, vi sinh…. Sẵn sàng thực hiện các panel gen mục tiêu được thiết kế riêng, giải trình tự toàn bộ gen hay vùng gen mục tiêu tuỳ theo nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt các nghiên cứu đa gen di truyền trong các bệnh lý tim mạch, đông máu, đái tháo đường, nội thần kinh…

Trong những năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không ngừng nâng cao hiệu suất quản lý chất lượng xét nghiệm và giảm thiểu sai sót bằng các giải pháp công nghệ thông tin. Theo Tiến sĩ, dược sĩ Lê Văn Thanh, Phó Trưởng Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy, quản lý chất lượng xét nghiệm là một trong những thách thức lớn của phòng xét nghiệm hiện đại. Trong đó, thẩm định kết quả là một giai đoạn quan trọng, nhằm đưa ra kết quả chính xác cho bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trước đây, giai đoạn này được đánh giá thủ công 100%, do đó tiềm tàng nguy cơ bỏ sót kết quả lỗi/kết quả cần phải kiểm tra lại. Do đó, Khoa Sinh hóa đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hóa giai đoạn thẩm định kết quả giúp nâng cao quản lý chất lượng xét nghiệm, giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa nguồn nhân lực. Đến nay, đơn vị này đã tự động hóa 90% quy trình xét nghiệm, tự động thẩm định kết quả giúp giảm khoảng 50% kết quả cần xem xét lại và lỗi kết quả. Tỷ lệ xét nghiệm cần kiểm tra lại giảm 70% so với trước khi áp dụng phần mềm quản lý, cải thiện thời gian trả kết quả xét nghiệm trung bình còn 1 giờ 45 phút.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, các kỹ thuật cận lâm sàng đóng vai trò rất quan trọng, phục vụ rất nhiều cho công tác điều trị bệnh. Trong bối cảnh y học thế giới có sự phát triển vượt bậc về trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật mới thì Việt Nam cũng bắt đầu tiếp cận và chuyển giao được một số kỹ thuật mới, đặc biệt là các ứng dụng cận lâm sàng như sinh hóa, huyết học, vi sinh, sinh học phân tử… đã đưa ra kết quả chính xác, nhanh, hiệu quả giúp khối lâm sàng điều trị tốt nhất và an toàn nhất cho người bệnh.

Với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị”, Hội nghị cận lâm sàng lần thứ nhất Bệnh viện Chợ Rẫy đã giới thiệu những kỹ thuật mới như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh tế bào máu, Biện giải kết quả giải phẫu bệnh tự động bằng sử dụng thuật toán, Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong vận hành và quản lý phòng xét nghiệm, Chẩn đoán nhanh các tác nhân gây bệnh bằng xét nghiệm hội chứng, Các giải pháp toàn diện trong nuôi cấy định danh tác nhân gây bệnh bằng kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại; Những kỹ thuật tiên tiến trong can thiệp mạch trong điều trị phình động mạch não, điều trị ho máu, điều trị ung thư gan, nội soi siêu âm, cắt polyp đại tràng dưới nước… mang hiệu quả cao và an toàn.

Bên cạnh đó, Hội nghị còn giới thiệu những kỹ thuật mới tiên tiến nhất ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh mới trên thế giới và chưa có tại Việt Nam như liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T, phân tích kết quả giải phẫu bệnh dựa trên thuật toán...

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
'Bác sỹ cho mọi nhà' - giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
'Bác sỹ cho mọi nhà' - giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Sau hai năm triển khai, ứng dụng "Bác sỹ cho mọi nhà" không chỉ giúp gắn kết bệnh nhân với bác sỹ, còn kết nối các trạm y tế xã với các bệnh viện tuyến trên, để hình thành một mạng lưới khám,  chữa bệnh từ xa chặt chẽ trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN