Tư vấn chiến thuật chống dịch hiệu quả tại điểm nóng COVID-19 có 2.300 trường hợp F0 Bình Chánh

Huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) có khoảng 750.000 dân nhưng đến ngày 16/7 đã có hơn 2.300 ca F0, hơn 440 khu vực phong tỏa. Đây đang là điểm nóng cần được tư vấn các giải pháp sớm khống chế dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Tổ công tác của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 đã đưa ra nhiều chiến thuật xét nghiệm và các giải pháp sớm khống chế dịch bệnh cho địa phương.

Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, toàn huyến ngày 16/7 đã có hơn 2.300 ca F0. Hơn 440 khu vực phong tỏa đều được bố trí các lực lượng kiểm soát nghiêm ngặt.

Để thực hiện quản lý dân cư, nhất là lượng công nhân ở 4 khu công nghiệp đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, hiện Trung tâm y tế Bình Chánh đã lập nên các nhóm (group) kết nối với ban quản lý các khu công nghiệp để thường xuyên trao đổi. Có ca bệnh hay khu vực nguy cơ cao là kịp thời thông tin, cùng nhau khống chế ngay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phan Thị Cẩm Nhung cũng cho biết: Huyện đã điều tra, truy vết nhanh các trường hợp F0, thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu RT-PCR. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần. Bình Chánh cũng đã có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tại từng hộ gia đình. Tổ chức, điều phối công tác lấy mẫu theo khu vực nguy cơ. Cụ thể như: Khu vực nguy cơ rất cao sẽ lấy mẫu 3 ngày/lần. Khu vực nguy cơ cao sẽ lấy mẫu 7 ngày/lần. Các khu vực khác tổ chức giám sát và xét nghiệm tầm soát…

Trước những thông tin cụ thể về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, ông Trần Quang Cảnh (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) đại diện Tổ công tác Bộ Y tế vạch ra những chiến thuật hiệu quả trong lấy mẫu xét nghiệm.

Cụ thể, theo ông Trần Quang Cảnh: Việc lấy mẫu xét nghiệm phải khoanh gọn. Vùng nào là phải lấy hết, lấy gọn vùng đó/khu đó, bảo đảm tất cả hộ dân khu đó phải ra xét nghiệm. Nếu lấy không hết, còn sót lại trường hợp nào đó mà trường hợp đó nhiễm COVID-19 thì lại phải quay lại từ đầu, xét nghiệm cả khu. Như thế hiệu quả không cao. Việc cách ly nhà với nhà, người với người cũng phải thực hiện thật nghiêm túc.

Về các Tổ COVID-19 cộng đồng có thể lập nhóm Zalo liên kết giữa các hộ dân. Hàng ngày lên nhóm nhắc nhở nhà này không được sang nhà kia. Nếu ai có biểu hiện ho, sốt thì gọi ngay ra xét nghiệm. Việc chặn chu kỳ lây là rất quan trọng, nếu không chặn được người này lây sang người khác thì sẽ lại bắt đầu một chu kỳ mới.

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, thành viên Tổ công tác cũng nhấn mạnh thêm: "Phải làm nghiêm Chỉ thị 16 thì bệnh dịch mới nhanh được khống chế. Chúng tôi đã đi khảo sát nhiều khu phong tỏa, phải kiểm soát chặt việc các gia đình giao tiếp với nhau trong khu phong tỏa. Nếu trong khu phong tỏa, khu nguy cơ mà lấy mẫu xét nghiệm sót thì vẫn tồn tại nguy cơ dịch".

L. Sơn/Báo Tin tức
Khẩn trương làm rõ vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 của trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn
Khẩn trương làm rõ vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 của trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn

Liên quan đến việc trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn (phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) lên kế hoạch tổ chức cho hơn 200 học sinh, sinh viên đi thực tập ở các tỉnh có dịch COVID-19, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thanh Hóa khẩn trương làm rõ việc vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với trường cao đẳng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN