Người dân tự hướng dẫn nhau dùng thuốc
Vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, chị T.K.B (Cầu Giấy, Hà Nội), đăng thông tin lên trang mạng xã hội facebook. Cùng rất nhiều lời hỏi thăm của người quen, chị B cũng nhận được nhiều lời giới thiệu các loại thuốc để điều trị. Tham khảo thêm nhiều trang mạng xã hội khác, chị B đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua về đủ loại thuốc: Kháng virus, kháng sinh, kháng viêm…
Cũng như chị B, khi có các triệu chứng của COVID-19, nhiều đờm và ho, tự tham khảo được một số loại thuốc, tài khoản L.H.T đưa lên một nhóm facebook để “xin ý kiến” kinh nghiệm dùng thuốc của những người đã từng điều trị khi trở thành F0, trong đó có thuốc Medrol chứa corticoid (một loại thuốc phải có chỉ định của bác sĩ). Ngay lập tức nhiều người đã vào bình luận, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc này. Nhiều người bằng kinh nghiệm của bản thân còn khuyên người đăng nên dùng thêm kháng sinh để điều trị mới “nhanh khỏi”, thậm chí tỏ ra lo lắng không dùng thuốc sẽ “lâu trở về âm tính.
Lo lắng khi trở thành F0, tài khoản T.H chia sẻ bị mắc COVID-19 với các triệu chứng: Sốt trên 38,5 độ C, mất khứu giác, ho, rát họng, nhịp tim nhanh, muốn tham khảo ý kiến về việc dùng thuốc Molnupiravir. Bên cạnh những lời khuyên cần có hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc kháng virus, cũng có những người khuyên nên uống ngay “càng sớm càng tốt” mà không rõ tình trạng người bệnh có dùng được thuốc hay không.
Trước tình hình nhiều F0 tự điều trị tại nhà, đôi khi chậm tiếp cận với y tế, đã có tình trạng nhiều người tự truyền tai nhau đơn thuốc để điều trị, tự mua thuốc điều trị COVID-19 về uống mà không hiểu được hết công dụng cũng như tác hại của các loại thuốc này. Thậm chí nhiều trường hợp triệu chứng nhẹ chưa cần dùng thuốc vẫn tự ý dùng dễ dẫn đến những ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhiều người khi trở thành F0 vì lo lắng, hoang mang cũng tự tìm hiểu thông tin về những đơn thuốc chữa COVID-19 đang được các nhà thuốc và mạng xã hội chia sẻ tràn lan.
"Con dao hai lưỡi"
Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã từng ghi nhận trường hợp có những bệnh nhân F0 tự điều trị ở nhà với triệu chứng nhẹ, tự tìm mua thuốc Molnupiravir để uống nhưng đến ngày thứ 3, thứ 4 bệnh nhân vẫn có biểu hiện nặng, đến bệnh viện khám thì bệnh nhân đã ở tình trạng rất nặng và phải cho nhập viện điều trị. Về việc nhiều người khi dương tính đã tự săn lùng thuốc kháng virus Molnupiravir để sử dụng với mong muốn nhanh âm tính, BS. Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn cảnh báo: “Molnupiravir không phải là thuốc “thần thánh” ai cũng dùng được và dùng là khỏi ngay mà thuốc này được chỉ định nhất định với những bệnh nhân trẻ tuổi, không bệnh lý nền thuộc tầng 1 khi bệnh nhân có chức năng gan, thận hoàn toàn bình thường. Một số bệnh nhân có tình trạng suy thận, men gan tăng cao cũng không được dùng; vì vậy việc sử dụng thuốc này cần phải có sự giám sát của nhân viên y tế. Việc bệnh nhân tự mua thuốc để dùng là không nên”.
Về việc nhiều người truyền tai nhau uống thuốc kháng virus có thể dự phòng mắc COVID-19 và hậu COVID-19, theo BS Nguyễn Thu Hường, hiện chưa thấy có nghiên cứu nào về việc chúng ta chưa bị COVID-19 mà uống kháng virus để phòng hậu COVID-19. Tuy nhiên những bệnh nhân khi mắc COVID-19 mà dùng đúng chỉ định thì các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân đỡ rất nhanh, nhanh âm tính, còn tránh được hậu COVID-19 cũng chưa có nghiên cứu nào rõ ràng. BS Đồng Phú Khiêm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cảnh báo: “Thuốc kháng virus như Molnupiravir nếu dùng không đúng đối tượng sẽ không có tác dụng dự phòng nhiễm nặng, hay ngăn ngừa các biến cố hậu COVID-19 như nhiều trang mạng hay người bán quảng cáo. Thậm chí nó có thể mang lại những tác dụng phụ không mong muốn sau này. Hiện một số thuốc kháng virus cũng đang gây ra những lo ngại như: Vấn đề đột biến, các ảnh hưởng lâu dài gây quái thai với những phụ nữ có mong muốn sinh con… Vì đây là những thuốc mới nghiên cứu và mới áp dụng trong thời gian ngắn, có tác dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhưng ở giai đoạn bị nặng và cần nhập viện mới dùng và phải chấp nhận các nguy cơ đó.
Về việc nhiều F0 có triệu chứng ho, đờm nhiều, đã tự suy đoán bị viêm phổi và mua kháng sinh uống, theo BS Nguyễn Thu Hường, việc lạm dụng kháng sinh là không nên. Các tổn thương phổi do COVID-19 là tổn thương xơ phổi, do vậy việc dùng kháng sinh phải có căn cứ; nếu có đủ yếu tố về nhiễm trùng mới sử dụng. Nếu người bệnh chỉ ho nhiều hay bất cứ triệu chứng gì cần thăm khám bác sĩ để chỉ định thuốc phù hợp. Theo đó, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm hay bất kỳ loại thuốc nào cần kê đơn, vì kháng sinh là “con dao hai lưỡi”, nếu không nhiễm trùng mà dùng sẽ không có hiệu quả, thậm chí còn có thể gây ra các vấn đề về dị ứng, tổn thương gan, ảnh hưởng đến chức năng thận làm cho bệnh nhân nặng nề hơn, nhất là trong quá trình hậu COVID-19.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi mắc COVID-19, nếu các triệu chứng nhẹ, người bệnh chỉ cần chăm sóc, nghỉ ngơi, bổ sung tăng đề kháng và điều trị các triệu chứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: Dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C, nếu ho thì uống thuốc giảm ho… nếu có bất kỳ diễn biến bất thường nào, bệnh nhân cần liên hệ với cơ sở y tế, nhân viên y tế để được tư vấn, xử trí kịp thời.