Chiều 26/11, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh có công văn khẩn yêu cầu các trạm y tế phường, xã tăng cường giám sát vệ sinh môi trường tại các trạm trung chuyển rác, thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở cung cấp nước, chung cư, hộ dân...
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, mưa lớn do bão số 9 kết hợp triều cường gây nên tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực dân cư kéo dài nhiều giờ, thậm chí 2-3 ngày, tạo ra các nguy cơ về vệ sinh môi trường như tồn đọng rác thải, chất thải của người, gia súc… ảnh hưởng đến vệ sinh nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, có thể gây ra các bệnh dịch như tiêu chảy, bệnh ngoài da, tay chân miệng, sốt xuất huyết…
Nhằm tăng cường công tác giám sát vệ sinh, phòng chống dịch bệnh sau bão số 9, chiều 26/11, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết… theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các trạm y tế phường, xã tăng cường giám sát vệ sinh môi trường tại các trạm trung chuyển rác, thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở cung cấp nước, chung cư và các hộ dân.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các bệnh có thể xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn… Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khi cần thiết.
Khi có sự cố liên quan đến chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, Trung tâm y tế quận, huyện cần chủ động cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai vệ sinh và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Cloramin B; tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các trạm cấp nước tập trung, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng, tuyệt đối thực hiện việc ăn chín uống sôi.
Theo các bác sĩ, việc người dân tiếp xúc với nước ô nhiễm thời gian dài dễ mắc các bệnh về da. Theo đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Ninh Văn Thắng, khoa Khám bệnh – chuyên khoa da liễu bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, bên cạnh nước mưa thì còn có nước từ cống rãnh, chất thải chưa được xử lý gây ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da. Triệu chứng thường gặp của viêm nhiễm da như ngứa, nổi mụn nước hoặc mụn mủ, da mẩn đỏ, kẽ chân tay bị bong chóc da...
Bác sĩ Thắng cũng khuyến cáo: Để phòng tránh tình trạng viêm nhiễm da trong mùa nước ngập, người dân cần phải hạn chế tiếp xúc với nước, mang ủng cao su, dùng găng tay cao su. Khi đã tiếp xúc với nguồn nước bẩn cần phải rửa chân tay bằng nước sạch và xà phòng, lấy khăn lau khô, phủ ấm chân tay để cho chân tay hồi phục lại. Khi bị các bệnh viêm nhiễm về da, nên đến các cơ sở y tế khám, điều trị, không nên tự điều trị bằng các biện pháp dân gian dễ làm cho da bị viêm nhiễm nặng hơn.
Bên cạnh đó, để phòng tránh dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt lăng quăng để diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Súc rửa vệ sinh bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng, nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế…