Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng
Ngày 1/6, Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác định một bệnh nhi tử vong nghi do bị tay chân miệng. Đó là bệnh nhi N.H.D (sinh năm 2018, ngụ Kiên Giang). Bệnh nhi D. nhập viện vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 31/5 trong tình trạng hôn mê sâu, co gồng, chi mát, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao ở 41,2 độ C. Chẩn đoán lúc vào viện theo dõi bệnh tay chân miệng độ IV.
“Bệnh nhân được xử trí tích cực chống sốc, hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn, lọc máu theo hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nhân rất nặng nên đến 17 giờ 25 phút ngày 31/5/2023 bệnh nhân đã tử vong. Nguyên nhân tử vong nghi do bệnh tay chân miệng”, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhi D. bị bệnh 4 ngày với các triệu chứng như lở môi, ăn uống kém, ói 1 lần, đến tối ngày bệnh thứ 4, bé D. sốt 39 độ C kèm run toàn thân 10 phút, gọi không biết, bé bị vã mồ hôi nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi D. bị tay chân miệng độ III, đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần và chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, số ca bệnh tay chân miệng đang gia tăng, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Hiện bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 15 trường hợp, trong đó 1 ca nặng độ III, 2 ca độ IIB.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong 5 tháng đầu năm 2023, bệnh viện tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú do mắc bệnh tay chân miệng. Theo nhận định của Bệnh viện Nhi Đồng 1, so với thời điểm năm 2022, số lượng trẻ bị tay chân miệng không tăng nhưng số bệnh nhân nặng tăng và trong đó đã có trường hợp trẻ tử vong.
Tương tự, qua ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), số trẻ nhập viện điều trị do tay chân miệng cũng bắt đầu gia tăng. Hàng ngày, tại khoa Nhiễm điều trị cho khoảng 20 - 30 bệnh nhi. Trong đó có những trường hợp bệnh nhi nhập viện nặng và biến chứng về thần kinh.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trẻ nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng gia tăng trong 2 tuần gần đây. Hiện tại, phụ huynh cũng có những thông tin nền về bệnh này nên khi gặp con có những biểu hiện bệnh tay chân miệng là đưa con đi bệnh viện nên chưa có những trẻ nhập viện ở độ III và IV. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ nhập viện ở độ IIB có biến chứng về thần kinh và phải điều trị tích cực.
Trẻ đã bị vẫn có thể tái nhiễm
Theo các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột, có thể tạo thành dịch. Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Tay chân miệng có thể gặp quanh năm, nhưng có xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, năm nay, bệnh mới bắt đầu nên dự kiến trong những tháng tới, dịch bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng lên.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết, dấu hiệu nhận biết ban đầu của bệnh tay chân miệng là nổi nốt hồng ban, tuy nhiên có nhiều vị trí phụ huynh khó phát hiện như tại khuỷu tay, khuỷu chân. Bệnh tay chân miệng đa phần có diễn biến nhẹ nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng như viêm não, viêm cơ tim dẫn đến suy hô hấp, tử vong.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu thông tin thêm, bệnh tay chân miệng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở não bộ như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não hay các biến chứng khác về tim mạch và hô hấp. Đây là các biến chứng rất nguy hiểm, có thể tử vong nhanh nếu không được xử lý kịp thời. Mặc dù trẻ đã khỏi bệnh tay chân miệng nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ em đối với bệnh này không bền vững.
Bác sĩ Lưu khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa con trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt theo dõi tái khám mỗi ngày đến bảy ngày của bệnh và chú ý các biểu hiện nghi ngờ biến chứng như sốt cao liên tục khó hạ; giật mình nhiều (> 3 lần/giờ hoặc 2 lần/30 phút); run chi, đi loạng choạng; co giật; ói nhiều; thở nhanh, thở mệt; tím tái và lơ mơ, hôn mê.
Bên cạnh đó, do chưa có vaccine ngừa bệnh nên phụ huynh có thể phòng ngừa cho trẻ bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, cũng như xử lý phân, dịch tiết…