Tìm 'thuốc' trị tai biến y tế - Bài 2: Tăng chất lượng, giảm sai sót

Theo các chuyên gia y tế, muốn giảm tai biến thì ngành Y phải chủ động tăng chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng phụ thuộc vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là vấn đề nhân lực…

Tại Bệnh viện Việt Đức cũng đã xảy ra tai biến mổ nhầm chân cho bệnh nhân Trần Văn Thảo (37 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội).

Trao đổi trực tiếp với phóng viên báo Tin Tức, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn giảm tai biến thì về lý thuyết phải đảm bảo cơ sở vật chất, nhân sự và tránh quá tải bệnh viện. Bởi lẽ, sẽ khó tránh sai sót nếu bác sĩ luôn phải làm việc trong tình trạng căng thẳng do quá tải. Nhưng hiện nay, thay bằng việc chỉ chăm sóc một số lượng nhất định thì các bác sĩ, đặc biệt là các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, luôn phải điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân.


Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tính toán và đầu tư y tế sao cho phù hợp, bao gồm cả trang thiết bị y tế, vấn đề chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT)… Ví dụ BHYT đang thanh toán cho dịch vụ chạy thận nhân tạo ở mức khá thấp. Cho nên, trừ những địa phương có nguồn quỹ để bù một phần cho bệnh nhân lọc thận như Thành phố Hồ Chí Minh, thì nhiều bệnh viện đang phải tìm mọi cách xoay sở để bù đắp chi phí . Đương nhiên, một màng lọc sử dụng lại 3 lần thì nguy cơ tai biến với bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ nhiều hơn là sử dụng 1 - 2 lần. 


Hơn nữa, nhiều máy móc, trang thiết bị y tế cũng đang phải hoạt động quá công suất, ở nước ngoài máy chạy thận nhân tạo chỉ chạy 2 ca mỗi ngày, trong khi tại Việt Nam có cơ sở thận nhân tạo chạy 4 - 5 ca/ngày… Tất cả những điều đó sẽ tích tụ lại và khiến nguy cơ tai biến ngày một nhiều hơn.


“Vụ việc 8 bệnh nhân thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình gây lo lắng cho dư luận vì là lần đầu tiên ngộ độc cùng một lúc do nguồn nước, chứ những vụ tai biến lẻ tẻ và từng bệnh nhân đã phải “ra đi” thì sao có thể đếm được”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.


Theo bà Lan, nhân lực ngành y cũng là một vấn đề “nóng” cần có giải pháp khắc phục. Những năm gần đây, công tác đào tạo chỉ thiên về việc gia tăng số lượng tuyển sinh chứ việc đầu tư cơ sở vật chất của các trường để sinh viên đến thực tập, làm quen, chưa được chú trọng phát triển tương xứng. Chưa nói đến chuyện, rất nhiều trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… cũng được phép tham gia đào tạo nhân lực cho ngành y.


“Đến nay, vẫn duy trì hệ đầu vào không đảm bảo chất lượng, ví dụ như cộng điểm ưu tiên cho một số khu vực. Tôi đồng ý ưu tiên vùng sâu xa để tăng cường nhân lực nhưng không nên theo cách giảm điểm để người không đủ điều kiện vào học y bác sĩ; trong khi cần phải có chế độ ưu đãi, khuyến khích bác sĩ giỏi bằng mức lương thật cao để họ có thể yên tâm, xây dựng sự nghiệp”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.


Mặt khác, đào tạo nhân lực thời gian qua vẫn rất lãng phí, số lượng tăng nhưng rất nhiều sinh viên ra trường bị hút về làm trình dược viên. Bà Phong Lan cho rằng, một phần vì lương cao nhưng phần cũng vì nhiều bác sĩ trẻ này lượng sức mình không thể làm chuyên môn nên chọn đã đi bán thuốc cho an toàn.


Ở trong bối cảnh đó, đòi hỏi ngành y cẩn có sự điều tiết nhân lực sao cho phù hợp giữa các địa phương và các tuyến khám chữa bệnh. Lâu nay, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn diễn ra nhưng nhưng không đều. Cụ thể, các bệnh viện tuyến cuối, nhất là tuyến Trung ương, luôn quá tải trầm trọng, một bác sĩ phải điều trị cho rất nhiều bệnh nhân; trong khi tại các trạm y tế tuyến quận huyện ít bệnh nhân nhưng bác sĩ vẫn được rải “mành mành”, có khi rảnh rỗi đến mức không có việc gì để làm.

Đơn vị quản lý chất lượng & an toàn người bệnh, một tổ chức không thể thiếu trong Hội đồng chất lượng bệnh viện. Nguồn: PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

“Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chưa thể khắc phục ngay các vấn đề về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thì Bộ Y tế cần phải rà soát, cập nhật quy trình khám chữa bệnh, sao cho phù hợp nhất và phải giáo dục cho bác sĩ về ý thức kỷ luật để thực hiện nghiêm các quy trình đó”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.


Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề giám sát quy trình khám chữa bệnh, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, bà đã từng đề nghị BHYT phải có bộ phận giám sát độc lập để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh nhưng có cái khó là thiếu nhân lực có chuyên môn để đảm nhận vai trò này.


Bởi vậy, bà Phong Lan từng yêu cầu tham gia đoàn giám sát, đánh giá chất lượng các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh phải là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực của bệnh viện đó để dễ dàng góp ý khi cần khắc phục về chuyên môn.


“Ngay cả đoàn giám sát của Bộ Y tế quanh năm ngày tháng ngồi máy lạnh, lo làm mấy bộ luật, ra văn bản đã đủ mệt, thì sao có thể nắm bắt thực tế bằng cán bộ cơ sở. Sở Y tế cũng được có mấy người, thậm chí có nơi cán bộ Sở Y tế còn không có cả bác sĩ, dược sĩ, chỉ có trình độ trung cấp thì sao quản lý được cơ sở. Nhưng vấn đề hiện nay là lỗi hệ thống, cái gì cũng “gom” về cơ quan nhà nước, nên đến khi thành lập Đoàn kiểm tra hay đánh giá thì cũng đều là mấy vị trong ngành nên việc rút kinh nghiệm, tránh sai sót chưa đạt hiệu quả cao”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.


Do đó, không riêng gì bà Lan mà rất nhiều chuyên gia y tế cho rằng rất cần sớm thành lập các đơn vị giám sát chất lượng độc lập để việc hoạt động đánh giá tại các cơ sở y tế được thực chất hơn. Qua đó, bắt buộc các cơ sở y tế phải chủ động giám sát, nâng cao chất lượng chuyên môn tại đơn vị mình để đạt được các tiêu chuẩn đặt ra.'


“Từ vụ tai biến nghiêm trọng khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Hòa Bình, ngành Y tế cần phải chủ động cải tổ, chứ không phải lâu lâu xảy tai biến y khoa mới lên tiếng, mới tổ chức chiến dịch thanh kiểm tra này kia nhưng sau lại nhanh chóng rơi vào quên lãng thì tai biến sẽ còn tái diễn. Đặc biệt, cần tìm ra lỗi sai sót của hệ thống là gì để tìm cách khắc phục, rút kinh nghiệm trong toàn ngành, nếu chỉ đơn giản là trút hết tội cho một vài cá nhân thì sẽ khó cải thiện được tình hình”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Quy rõ trách nhiệm làm tồn dư hóa chất trong máy lọc thận
Quy rõ trách nhiệm làm tồn dư hóa chất trong máy lọc thận

Nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân chạy thận tại Hòa Bình tử vong là do nguồn nước sử dụng có độ pH thấp, hàm lượng Flohydride cao gấp 260 lần cho phép. Flohydride là hóa chất dùng trong công nghiệp, cấm không được phép sử dụng trong ngành y.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN